Giảm ô nhiễm bụi từ công trình xây dựng: Ngăn chặn từ “đầu nguồn”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo động về chất lượng không khí
Hà Nội đang trở thành một trong những đô thị đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi đã vượt ngưỡng cho phép từ 2-3 lần trên nhiều trục đường giao thông. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội ngày càng gia tăng là do bụi từ các công trình xây dựng hoặc các hoạt động vận chuyển khiến vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường. Thực trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều quận huyện. Người dân bức xúc, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp.
Qua khảo sát tại một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội như: Phạm Hùng, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, quốc lộ 32, Phạm Ngọc Thạch và các tuyến đường vành đai đang có nhiều công trình xây dựng thi công nên đường phố thường xuyên hứng chịu bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân khu vực. Trên tuyến đường Phạm Hùng và Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm), theo quan sát, hiện có hàng chục công trình xây dựng đang thi công. Vì vậy, khu vực này luôn có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, chất thải ra - vào các công trình. Trong đó có không ít xe tải che chắn sơ sài, đất cát rơi vãi bừa bãi khiến mặt đường nhiều chỗ như được phủ lớp thảm bằng... bụi.
“Nhiều năm qua, tôi thường xuyên phải di chuyển qua tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương đã chứng kiến không biết bao nhiêu bụi bẩn tại các công trình xây dựng dọc tuyến đường này. Mặc dù chủ đầu tư có tiến hành che chắn nhưng chỉ hạn chế được phần nào bụi bẩn từ công trường xây dựng chứ không thể hết được. Tiết trời hanh khô, mỗi khi có luồng gió hoặc xe khách chạy qua là cát bụi bốc lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc kinh doanh của người dân và mất mỹ quan đô thị”, chị Vũ Khánh Linh, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho hay.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2018 tới nay, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Đoàn đã kiểm tra 84 dự án xây dựng, kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi công trình xây dựng phát sinh ô nhiễm theo cách riêng: Các công trình xây dựng hạ tầng thường gây tiếng ồn và vương vãi đất, bụi bẩn; với các công trình kiến trúc thì thiếu rào che chắn, vật liệu tập kết không đúng nơi quy định, chưa bố trí điểm rửa xe trước khi ra - vào công trình (hoặc có nhưng chưa bảo đảm)...
Đơn cử, trong tháng 8-2018, tại “Dự án Bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian Điện Kính Thiên” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long làm chủ đầu tư, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 đã phát hiện nhiều thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường. Đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công để khắc phục. “Đây là công trình ở vị trí trung tâm Thủ đô, nếu không thực hiện nghiêm quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và hình ảnh của TP” - Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 Lê Hữu Chiến nhấn mạnh.
Lực lượng CSGT tuần tra, xử lý xe tải vi phạm trên đường 70. Ảnh: Việt Khuê |
Đâu là giải pháp?
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 02/2018/TTBXD nhằm “siết” trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường của chủ đầu tư. Trong đó, yêu cầu các DN phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Đáng lưu ý, chủ đầu tư bị đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn trong thi công, phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường khu vực dự án hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường...
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác ngăn chặn từ nguồn gây ô nhiễm. Mà muốn làm được như vậy, Sở Xây dựng phải phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT Hà Nội, tăng cường kiểm tra các công trường thi công, bến bãi trung chuyển, cấp phát vật liệu xây dựng… Quan trọng hơn là kiểm tra, xử lý phải nghiêm túc, minh bạch, tránh tình trạng để DN nhờn luật vì phạt nhẹ, thậm chí là vì “xin - cho”. Đối với xe tải vận chuyển nguyên vật liệu có khả năng gây ô nhiễm bụi bặm, cần xử phạt nặng DN chủ quản, thậm chí xem xét rút giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần.
Trong khi đó, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi DN bất động sản. “Tại Nhật Bản, công trường thi công được bao lại hoàn toàn, không hề có cát bụi bay ra ngoài. Thậm chí, vật liệu bao quanh công trường còn có thể cách âm và công nhân xây dựng ra, vào công trường cũng đều phải thay giày, không mang đất cát ra bên ngoài. Đặc biệt, xe chở vật liệu trước khi chạy vào đường phố được rửa một cách cẩn thận sạch sẽ mới được phép di chuyển. Đa phần các DN xây dựng ở đây đều tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm. Ở bất cứ quốc gia nào cũng có chế tài nhất định để kiểm soát môi trường xây dựng. Tuy nhiên, đạt được hiệu quả hay không, then chốt vẫn là yếu tố con người” - ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, vừa qua, TP đã giải quyết rất tốt vấn đề vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng do quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm. Nay muốn giải quyết tình trạng ô nhiễm, cũng cần áp dụng biện pháp đó, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của Chính quyền địa phương trong quản lý, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Đối với nhà thầu thi công, lực lượng chức năng phải giám sát chặt chẽ việc thi công theo nguyên tắc “làm gọn, dọn sạch” - không để vật liệu xây dựng, phế thải tràn ra và lưu cữu trên đường, hè... gây bụi. Cùng với tuân thủ chặt việc che chắn khu vực thi công, đặc biệt yêu cầu phải tuân thủ đúng quy định về rửa xe trước khi ra - vào công trình cũng như bảo đảm phương tiện vận chuyển được che chắn kín, không làm rơi vãi phế thải, đất, bụi... Có như vậy, mới có thể góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, chất lượng môi trường nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân từ hoạt động xây dựng. Mỗi năm môi trường không khí TP phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diesel công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên sống quanh khu vực thi công. |
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm trong các tháng cuối năm có nguyên nhân chủ yếu do nồng độ bụi mịn vượt quá giới hạn. Thực tế, bụi phát sinh phần lớn do các công trình xây dựng chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường. Trong khi các máy quét rác hiện đại có chức năng hút bụi hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi chạy chiếu lệ thì thời tiết lại bắt đầu mùa hanh khô - cũng là lúc “vào mùa” của các công trình xây dựng - nên nguy cơ ô nhiễm không khí do bụi phát tán mạnh... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại