Phát huy di sản văn hóa dòng tranh cổ Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình bên bức tranh chữ Lưu. Ảnh: Văn Đoan |
Hồi sinh làng tranh trăm tuổi
Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã trở nên nổi tiếng với dòng tranh dân gian mang đậm bản sắc Việt. Những ngày gần Tết, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về tranh Kim Hoàng qua những chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình.
Theo đó, tranh đỏ Kim Hoàng xuất hiện đầu thế kỷ 18, khi những người dân Thanh Hóa di cư ra Bắc và định cư tại vùng đất hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Trong bối cảnh tranh dân gian được ưa chuộng, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế ở Kim Hoàng đã sáng tạo nên một dòng tranh mới, kế thừa và phát triển những tinh hoa của cả tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Với màu sắc tươi tắn, đường nét tinh tế và những hình ảnh sinh động, tranh Kim Hoàng nhanh chóng trở thành một sản phẩm được người dân yêu thích.
Tuy nhiên, vào năm 1915, một trận lũ lịch sử đã xảy ra, cuốn trôi nhiều bản khắc quý giá của làng. Đến năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã khiến dòng tranh này dường như biến mất, dẫn đến việc dòng tranh Kim Hoàng rơi vào quên lãng suốt 70 năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người làng kể lại cho nhau nghe về cái tên Kim Hoàng đã từng vang bóng một thời.
Năm 2022, từ các tài liệu nghiên cứu về tranh Kim Hoàng do nhà nghiên cứu và sưu tầm tranh dân gian, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện, bà Nguyễn Thị Bình - một người con tâm huyết của làng Kim Hoàng - cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã bắt tay vào quá trình nghiên cứu và tái hiện lại những nét đẹp độc đáo của tranh Kim Hoàng. Công việc này góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Dòng tranh dân gian Kim Hoàng trên nền giấy đỏ. Ảnh: Văn Đoan |
Những ngày đầu khôi phục tranh Kim Hoàng bà gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách. Không có bất kỳ tài liệu tham khảo nào, bà Nguyễn Thị Bình phải tự mình khám phá, học hỏi. Từ việc nghiên cứu các mẫu tranh còn sót lại, phân tích màu sắc, đường nét cho đến việc pha chế màu vẽ, làm giấy, bà Nguyễn Thị Bình đều phải bắt đầu từ con số không. Không nản chí, với đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì, bà đã dần dần tái tạo lại những bức tranh Kim Hoàng xưa.
Tháng 7/2024 sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Nguyễn Thị Bình đã tự hào giới thiệu đến công chúng bức tranh đầu tiên. Tác phẩm không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia mà còn đánh thức ký ức về một dòng tranh dân gian độc đáo, từng một thời làm say đắm lòng người.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình cho biết: “Để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều bước chuẩn bị, trong đó gồm 4 bước chính. Bước đầu tiên làm giấy dó, giấy dó dùng để in tranh thường được pha hồ phèn để tăng độ bền và giảm thiểu tình trạng mực loang. Hồ phèn giúp các đường nét trên tranh trở nên sắc nét và màu sắc tươi tắn hơn. Độ dày của giấy dó, được gọi là "bóc", cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tranh. Bóc 2 thường được lựa chọn cho các loại tranh này vì nó vừa đảm bảo độ bền, vừa tạo điều kiện cho mực bám tốt”.
Ban đầu, làng Kim Hoàng sử dụng giấy tàu nhập khẩu từ Trung Quốc để vẽ tranh. Tuy nhiên, do giấy dó có khả năng thấm hút mực tốt hơn, giúp màu sắc tươi tắn và bền màu hơn, nên dần dần, các nghệ nhân đã chuyển sang sử dụng giấy dó làm chất liệu chính.
Điểm đặc biệt ở tranh Kim Hoàng là được nhuộm bằng màu đỏ từ loại giấy dó, vì thế còn được gọi là tranh giấy đỏ. Màu đỏ từ lâu đã được người Việt xem là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Chính vì vậy, những bức tranh Kim Hoàng với nền đỏ rực rỡ thường được treo trong nhà vào dịp Tết, mang đến không khí vui tươi và hy vọng một năm mới an lành.
Bản khắc tranh Kim Hoàng được làm từ gỗ thị. Ảnh: Văn Đoan |
Người nghệ nhân chọn những tấm gỗ thị có vân đẹp, chất liệu cứng nhưng dẻo để tạo nên những bản khắc tinh xảo. Người thợ sử dụng hàng chục loại đục và dao trổ để tỉ mỉ khắc từng đường nét trên gỗ. Mỗi đường nét đều là kết quả của sự sáng tạo và tâm huyết của người nghệ nhân. Chính những đường nét tinh xảo này đã tạo nên sức sống cho những hình ảnh dân gian, mang đến cho người xem cảm giác gần gũi và ấm áp.
Công đoạn cuối cùng và cũng là bước khó nhất trong quá trình làm tranh Kim Hoàng là in tranh. Khác với tranh Đông Hồ hay Hàng Trống thường sử dụng nhiều bản khắc để in màu, tranh Kim Hoàng chủ yếu sử dụng một bản khắc nét duy nhất. Điều này đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng cao để điều chỉnh mực và lực ấn, tạo nên những đường nét tinh tế và sắc nét. Sau khi hoàn thành bản khắc, người thợ sẽ dùng mực in truyền thống, thường là mực tự chế từ các nguyên liệu tự nhiên, để in lên giấy dó. Họ cẩn thận đặt bản khắc lên giấy, dùng miếng vải mềm để miết đều, giúp mực thấm đều vào các đường nét.
Quá trình in đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm để tránh tình trạng lem mực hoặc mờ nét. Việc in tranh bằng tay đã tạo nên một nét đặc trưng riêng cho tranh Kim Hoàng. Mỗi lần in, người thợ sẽ điều chỉnh lực ấn và lượng mực khác nhau, tạo ra những biến tấu độc đáo. Nhờ đó, mỗi bức tranh Kim Hoàng đều mang một vẻ đẹp riêng, không có bức nào giống bức nào. Chính sự độc đáo này đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của tranh.
Gắn kết giá trị xưa và nay
Nghề làm tranh Kim Hoàng như một ngọn đèn dầu leo lắt trong đêm, cần có những bàn tay khéo léo để tiếp tục thắp sáng. Theo bà Nguyễn Thị Bình, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là thiếu hụt những người nghệ nhân lành nghề và sự vắng bóng thế hệ kế thừa. Bên cạnh đó, việc quảng bá tranh Kim Hoàng đến với công chúng còn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Để đưa tranh cổ làng Kim Hoàng phát triển, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình không ngừng sáng tạo, ứng dụng sắc đỏ đặc trưng của dòng tranh này vào cuộc sống hiện đại.
Từ những chiếc áo mang họa tiết con gà trống oai phong in trên nền vải đỏ, hay những chiếc túi xách nhỏ nhắn với hình ảnh làng quê yên bình, tất cả đều mang đậm dấu ấn của sắc đỏ Kim Hoàng. Điều này không chỉ góp phần quảng bá rộng rãi vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian Việt Nam mà còn mang đến một làn gió mới cho thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Ứng dụng tranh dân gian Kim Hoàng vào túi vải. Ảnh: Văn Đoan |
“Để tranh Kim Hoàng có thể đồng hành cùng cuộc sống hiện đại, chúng ta cần không ngừng đổi mới và sáng tạo, đưa những họa tiết truyền thống vào các sản phẩm ứng dụng. Thực tế, khi tôi giới thiệu những sản phẩm này, rất nhiều người đã tỏ ra thích thú và muốn sở hữu”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Là một giáo viên mỹ thuật, bà Nguyễn Thị Bình đã đưa tranh Kim Hoàng vào những tiết học ngoại khóa, giúp các em học sinh không chỉ hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống mà còn được trải nghiệm trực tiếp quá trình sáng tạo.
Tháng 10/2024, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức và Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức chuyên đề “Đưa di sản văn hóa địa phương vào dạy mỹ thuật qua bài học “Tìm hiểu và trải nghiệm tranh Kim Hoàng”. Chuyên đề do bà Nguyễn Thị Bình và các em học sinh trường THCS Di Trạch (huyện Hoài Đức) thực hiện, trình diễn.
Các em học sinh tham gia ngoại khóa "Tìm hiểu và trải nghiệm tranh Kim Hoàng”. Ảnh: NVCC |
Thông qua trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh được khám phá về lịch sử hình thành, phát triển, cùng với thách thức trong việc giữ gìn di sản văn hóa của địa phương.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bình cũng tích cực giới thiệu tranh Kim Hoàng tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, giúp nhiều người biết đến và yêu thích loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Sắc đỏ tràn ngập bộ sưu tập Xúc cảm dân gian lấy cảm hứng từ dòng tranh Kim Hoàng của NTK Ngọc Hân. Ảnh: Ngọc Hân |
Đưa dòng tranh dân gian ứng dụng vào lĩnh vực thời trang, tranh Kim Hoàng còn được nhà thiết kế Ngọc Hân đưa lên tà áo dài truyền thống tại chương trình nghệ thuật có chủ đề “Nơi tôi sinh ra” được tổ chức tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc - Tử Giám. Sự kết hợp tinh tế này đã tạo nên những bộ sưu tập áo dài độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp của cả hai di sản văn hóa.
Trăn trở về cuộc tái sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng | |
Đạo diễn “Hà Nội trong mắt ai” nhận Giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại