Thứ hai 17/06/2024 08:32

Giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng nghề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, kinh tế làng nghề cũng đã có những bước phát triển đáng kể về quy mô và chiều sâu, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.
Giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng nghề

Chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch, đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. (Ảnh chụp tại làng nghề Mây, tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) . Ảnh: Hải Anh

Sản xuất tại hộ gia đình

Hà Nội, địa phương có nhiều làng nghề nhất trong cả nước, theo thống kê trong số làng nghề đã có đến gần nửa số đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Điều này ảnh hưởng lớn đến nghề và đến đời sống, sức khỏe người dân trong làng và dân cư xung quanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng trong các làng nghề là do đặc thù sản xuất. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…

Vì thế nên các chuyên gia cho rằng, cần phát triển làng nghề có quy hoạch cụ thể phù hợp với từng làng. Như: làng dệt khăn Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quá trình sản xuất ra sản phẩm khăn ở Phùng Xá trải qua 5 công đoạn kết hợp giữa lao động thủ công và sự trợ giúp của máy móc, gồm mắc sợi, cho đến dệt, tẩy, nhuộm, máy biên mép, cuối cùng là in phun hoa văn. Trong đó có 2 công đoạn tẩy, nhuộm và in phun hoa văn là công đoạn gây ô nhiễm lớn nhất. Công đoạn này đòi hỏi đầu tư máy móc và công nghệ vì thế trong làng có một số doanh nhân, nghệ nhân làm chủ công nghệ này với hệ thống trang thiết bị như bể tẩy nhuộm, máy sấy công nghiệp, máy hấp, thiết bị xử lý thuốc tẩy… hiện đại.

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho hay: “Vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của Nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, họ sẽ theo, không cần ép buộc”.

Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội như: huyện Hoài Đức làng nghề tại xã Cát Quế đó là làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm. Ông Trần Văn Long Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào các ao, hồ, hoặc đổ ra mương rãnh công cộng. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ...

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng là địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề "nóng" với nghề mộc, chạm trổ, làm quạt giấy truyền thống đang cho thấy sự phát triển nhanh về quy mô, nhưng bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ bụi gỗ, hóa chất phun sơn…

TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết: “Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch, đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này…”.

Mâu thuẫn do gây ô nhiễm tiếng ồn
Nguyễn Vũ – Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động