Gia đình không thể ngoài vòng trách nhiệm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự bị đưa về CQCA để làm việc |
Nhiều vụ gây rối từ thanh thiếu niên bị xử lý
Ngày 30-3, CA huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, đã lập hồ sơ, xử lý vụ việc gây rối trật tự công cộng, xảy ra trên địa bàn huyện. Trước đó, khoảng 22g30 ngày 14-3, CA huyện Đông Anh thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, phòng chống đua xe trái phép, cướp, cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản.
Qua đó đã phát hiện nhóm nam thanh niên điều khiển xe máy che biển số, không đeo BKS mang theo dao, kiếm, tuýp sắt hàn dao nhọn, gậy gỗ phóng nhanh, lạng lách đánh võng, bấm còi gây mất an ninh trật tự. Tổ công tác đã trấn áp, tạm giữ nhóm đối tượng để điều tra xử lý.
Nhóm đối tượng khoảng 20 nam thanh niên, trong đó xác định có nhiều đối tượng từ 18 tuổi trở lên gồm: Đỗ Minh Hiếu, SN 2002; Nguyễn Văn Lãng và Ngô Minh Hợi, cùng SN 2003, cả 3 đều trú tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Dư và Chu Tiến Phương, cùng SN 2002, đều trú tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh; Nguyễn Việt Tiến, SN 2004; Nguyễn Tiến Mạnh, SN 2002, cùng trú tại huyện Đông Anh; Nguyễn Trung Thao, SN 2003, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Tại CQCA, các đối tượng khai nhận trong quá trình tụ tập, ngồi uống nước ở khu vực Cung văn hóa huyện Đông Anh nhóm này có xảy ra mâu thuẫn. Tối 14-3, các em bàn bạc nhau chuẩn bị hung khí để hẹn nhau giải quyết. Nghĩ là làm, các em trực tiếp đi mua dao chọc tiết lợn, sau đó mượn máy hàn vào một đầu ống tuýp rồi hẹn nhau trên mạng xã hội đi đánh nhau.
Khoảng 22g30 cùng ngày, cả nhóm điều khiển xe máy từ thôn Thiết Úng, xã Vân Hà ra ngã tư Cổ Châu chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi xe inh ỏi. Rất may, đã bị lực lượng CA tuần tra, yêu cầu dừng xe kiểm tra, nên đã không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Ngày 24-3, Cơ quan CSĐT CA quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết đã ra lệnh tạm giam 14 nam thanh niên để điều tra về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Quá trình điều tra xác định nhóm “Đông Hải” do Phùng Thanh Tú, SN 2004, trú tại phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng cầm đầu đã xảy ra mâu thuẫn với nhóm “An Đồng” do Phùng Đức Huy, SN 2006, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng cầm đầu. Để giải quyết mâu thuẫn, cả hai nhóm hẹn nhau ra khu vực ngã 4 An Dương, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng để đánh nhau.
Khoảng 0g ngày 6-3, nhóm “Đông Hải” gồm 11 thanh, thiếu niên do Tú cầm đầu mang theo giáo chổi, giáo chọc, dao kiếm đã “chạm mặt” nhóm “An Đồng” với khoảng 30 đối tượng do Huy cầm đầu. Cả hai nhóm dùng giáo chổi, dao, kiếm, chai lọ thuỷ tinh lao vào tấn công lẫn nhau. Nhóm “Đông Hải” bị yếu thế phải tháo chạy còn nhóm “An Đồng” lên xe máy truy đuổi làm náo loạn phố xá. Đáng chú ý, để trấn áp hai nhóm thanh niên dùng hung khí tấn công lẫn nhau, CAP Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân đã phải nổ súng.
Ngày 21-3, Cơ quan CSĐT CA quận Lê Chân đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện bắt giam 14 đối tượng thuộc hai “ổ nhóm” để điều tra những đối tượng này về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan CSĐT CA quận Lê Chân tiếp tục điều tra, mở rộng án vụ án để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Một trong số đối tượng bị tạm giam trong vụ hỗn chiến củagần 50 thanh niên trên đường phố Hải Phòng |
Giải pháp nào nhằm giảm thiểu vi phạm?
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội kéo dài đã có tác động ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe tâm thần của nhiều em, gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý của học sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân-BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết: Trong thời gian phải tạm ngừng đến trường, không được đến lớp học tập, giao tiếp, vui chơi, giao lưu, đã khiến cho học sinh rất khó chịu về mặt tâm lí... Bởi ngay cả người lớn cũng có nhu cầu về mặt giao tiếp xã hội để giúp cân bằng cảm xúc của bản thân, nữa là các bạn trẻ.
Đặc biệt, đối với các thanh thiếu niên, khoảng thời gian gần 2 năm là rất dài so với tuổi. Các em thường có rất ít khả năng kiểm soát môi trường, kiểm soát những thay đổi của xã hội. Điều này ảnh hưởng đến tâm lí, cảm xúc của các em và chiều hướng trẻ em nam có hành vi bạo lực như đánh em, cãi bố mẹ... tụ tập gây rối gia tăng.
Bên cạnh đó, do xáo trộn và nhiều thay đổi về đời sống trong dịch bệnh dẫn đến sự kết hợp quản lý giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ. Cùng với ý thức rèn luyện kém của một bộ phận thanh thiếu niên cũng là một trong những nguyên nhân để tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng có chiều hướng tăng cao.
Để làm giảm tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, trước hết lực lượng CA đã tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kết hợp phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật do thanh thiếu niên gây ra. Các ban ngành đoàn thể ở địa phương cũng có vai trò hết sức quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục, tạo sân chơi cho thanh thiếu niên nhằm định hướng trong suy nghĩ hành động tích cực hơn.
Điều quan trọng là sự quan tâm của gia đình, nhà trường sẽ tác động đến định hướng, hành động của thanh thiếu niên. Phải nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn và kịp thời phát hiện những sai sót trong suy nghĩ, trong hành động của các em để chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Đặc biệt là sự gương mẫu của cha mẹ, nghiêm khắc với những sai phạm của con em mình từ vấn đề nhỏ nhất. Từ đó, góp phần định hướng cho các em hoạt động tốt, hạn chế mức thấp nhất thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại