Gạt tay khiến vợ ngã, chồng bị phạt tù
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhiên tòa giả định |
Chiều 22/6, tại hội trường UBND xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì tổ chức tuyên truyền pháp luật đến hội viên hội Liên hiệp phụ nữ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Hình thức tuyên truyền là tổ chức phiên tòa giả định về vụ việc người chồng đánh vợ gây thương tích. Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý Phan Hoành Sơn, Trưởng chi nhánh số 10, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cho hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phong Vân.
Theo cáo trạng tại phiên tòa giả định, bị cáo Nguyễn Văn An (SN 1967) và chị Lê Thị Hiền (SN 1969) cùng trú thôn Tân Phong 1, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội kết hôn với nhau vào năm 2009. Quá trình chung sống vợ chồng cũng có mâu thuẫn nên nhiều lần Nguyễn Văn An có hành vi chửi mắng, đánh đập đối với chị Hiền.
Cụ thể, vào khoảng 21h ngày 14/2/2022, Nguyễn Văn An đi nhậu về đến nhà, chị Hiền ra mở cửa và hai vợ chồng có lời qua tiếng lại với nhau. Sau đó, An lấy tay gạt mạnh qua người chị Hiền để đi vào nhà khiến chị Hiền bị ngã mạnh xuống đất, vùng bụng va chạm vào cầu thang. Đến khoảng 3h sáng hôm sau, chị Hiền không chịu nổi nên kêu con trai lớn dậy đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, chị Hiền đã trình báo sự việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để nhờ hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật.
Kết quả giám định của Trung tâm pháp y - Sở Y tế kết luận chị Lê Thị Hiền bị dập lá lách, phải cắt bỏ lá lách, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn An đã khai nhận hành vi của mình như đã nêu trên và bị khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Bên cạnh đó, do bị cáo An thuộc hộ nghèo – là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí nên được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội cử trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo. Phiên tòa kết thúc với phần tuyên án của HĐXX, bị cáo An nhận án phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thảo, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phong Vân cho biết, từ trước tới nay chị được tuyên truyền về pháp luật qua các hình thức hội nghị, hội thảo,… Lần này, chị được tuyên truyền bằng hình thức tham dự phiên tòa xét xử về người chồng đánh vợ. Chị thấy hình thức tuyên truyền rất mới, thiết thực và ngồi tham dự chị có cảm giác như chính mình là nhân vật bị hại trong phiên tòa.
“Ngồi nghe phiên tòa giả định thôi nhưng tôi cảm thấy nhiều chị em phụ nữ như là bị hại trong phiên tòa. Qua phiên tòa này, tôi thấy chị em phụ nữ cần khéo léo hơn trong cách hành xử với chồng. Nếu người chồng đang nóng tính hoặc uống rượu thì không nên lời qua tiếng lại mà chăm sóc chồng để người chồng an toàn. Ngày hôm sau, khi chồng tỉnh táo, người phụ nữ có gì cần nói lúc đấy hãy chia sẻ, nói chuyện để chồng hiểu”, chị Thảo thông tin.
Chia sẻ sau phiên tòa giả định, ông Trần Quang Hiếu, Trưởng thôn Tân Phong 1, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, vai bị cáo trong phiên tòa cho biết, phiên tòa rất có ý nghĩa về tác dụng răn đe và tuyên truyền cho hội viên hội phụ nữ xã Phong Vân. Qua phiên tòa, mong chị em biết cách hành xử khi người chồng đã uống rượu. Bên cạnh đó, cũng tuyên truyền cho người chồng biết những hậu quả có thể xảy ra khi uống quá nhiều rượu dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Mọi người nên có những ứng xử sao cho phù hợp.
“Sau phiên tòa giả định, chúng tôi sẽ có trách nhiệm tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thôn về bạo lực gia đình, những hậu quả xảy ra khi có bạo lực gia đình. Đồng thời, tôi thấy người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí là chính sách rất tuyệt vời của nhà nước, giúp những người nghèo – những người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội được bình đẳng trước pháp luật” ông Hiếu nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại