Facebooker Đặng Như Quỳnh có thể đối diện mức án nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị can Đặng Như Quỳnh thời điểm chưa bị khởi tố |
Mới đây, cơ quan An ninh điều tra của Bộ phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt khẩn cấp ông Đặng Như Quỳnh, SN 1980, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội để điều tra hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, ông Đặng Như Quỳnh đã sử dụng mạng xã hội đăng các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, DN trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán.
Trước khi vụ việc này diễn ra, hồi tháng 3/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng làm việc với ông Quỳnh để làm rõ hành vi đăng gần 300 bài viết chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch Covid-19 tại nhiều địa phương.
Với hành vi trên, ông Đặng Như Quỳnh đối mặt hình phạt nào? Trả lời câu hỏi này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình về các vấn đề xã hội, có quyền đánh giá bình luận về một sự kiện. Việc bày tỏ quan điểm thái độ có thể được thực hiện trực tiếp trong đời sống xã hội hoặc bày tỏ trên mạng xã hội. Tuy nhiên việc bày tỏ quan điểm thái độ của mình về các vấn đề xã hội không được quy chụp, suy diễn, đưa ra những thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ, kết tội người khác.
Hành vi loan tin bịa chuyện những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi quy kết, buộc tội người khác thay cơ quan tố tụng cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyên viện dẫn, tại Điều 8, Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...".
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đưa tin sai sự thật gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 331 BLHS về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.
Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ của Đặng Như Quỳnh gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 2 đến 7 năm.
"CQĐT sẽ thu thập các thông tin tài liệu mà Facebooker này đã đăng tải lên mạng xã hội trong thời gian qua, sẽ làm rõ tính trung thực của từng thông tin, căn cứ để đưa thông tin và đánh giá những tác động tiêu cực của những thông tin này đối với Nhà nước, với tổ chức, cá nhân.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy những thông tin mà Đặng Như Quỳnh đưa ra không đúng sự thật, người này nhận thức được điều đó nhưng vẫn cố ý đưa thông tin sai sự thật gây ra hậu quả tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, của DN, cá nhân, gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Nguyên cho hay.
Facebooker Đặng Như Quỳnh bị bắt |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại