Thứ sáu 26/04/2024 07:02

Em bé lớn lên cùng Lễ hội Xuân hồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong hành trình của 14 năm Lễ hội Xuân hồng (Lễ hội hiến máu lớn nhất trong năm), con trai anh Điu, ở Sơn La đã có 10 năm đều đặn được tiếp nhận nguồn máu từ “Lễ hội” đầy nhân ái này. Đó là những ơn nghĩa của những người anh không hề quen biết mà anh và con mình luôn khắc cốt-ghi tâm.

Năm 2021, Lễ hội Xuân hồng lần thứ 14 diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (đơn vị tổ chức Lễ hội) đã chia ra các điểm hiến máu để đảm bảo giãn cách. Liên tục trong 7 ngày (từ 1 đến 7-3) tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và 3 điểm hiến máu cố định đã đón nhận hàng ngàn tình cảm yêu thương, tấm lòng sẻ chia vì người bệnh của gần 10.000 người hiến máu với trong 8.324 đơn vị máu. Lượng máu này đã kịp thời chuyển đến truyền cho người bệnh, giúp họ được hồi sinh.

Là một người được tiếp nhận máu từ Lễ hội Xuân hồng suốt 10 năm qua, Lò Duy Khương, ở Thuận Châu, Sơn La đã sống chung cùng bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) một cách vui vẻ.

Bố của Khương-anh Lò Văn Điu cho biết, 10 năm ròng rã đưa con đi viện, truyền hàng trăm đơn vị máu anh Điu đã học cách cách chấp nhận căn bệnh và cố gắng cho con đi điều trị thật đều đặn. Thế nhưng, không phải cứ muốn truyền máu là được truyền máu. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết anh lại thấp thỏm lo âu vì thiếu máu. Bệnh tình của cháu nếu không được truyền máu kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Đã có năm, anh đưa con hết lên BV tỉnh Sơn La rồi lại đi gần 400km xuống Hà Nội, cầu mong con được truyền thêm sự sống do nguồn máu khan hiếm.

Năm nay, khi tình hình dịch bệnh bùng phát khiến anh lại càng thêm lo lắng. “Con tôi lệ thuộc hoàn toàn vào máu, nếu lâu không đi truyền máu chắc là cháu không sống nổi”-anh Điu nói.

Và anh đã “để dành” cơ hội cho con được truyền máu bằng cách đợi đúng đến khi diễn ra Lễ hội Xuân Hồng để đưa con đi viện bởi anh tin rằng “Lễ hội Xuân Hồng không lo thiếu máu”. Với niềm tin ấy mà suốt 10 năm qua, anh thu xếp, “căn lịch” để đưa con đi truyền máu vào đúng dịp Lễ hội Xuân hồng. Cháu bé đã hồi sinh sự sống, khỏe mạnh, lớn lên cùng Lễ hội Xuân hồng trong suốt 10 năm qua.

Em bé lớn lên cùng Lễ hội Xuân hồng
Em Lò Duy Khương, ở Sơn La đã có 10 năm được tiếp nhận máu từ Lễ hội Xuân hồng (ảnh Công Thắng)

Đối với 2 anh em Lò Văn Trường và Lò Văn Bảo ở Sơn La cùng mắc bệnh tan máu bẩm sinh thì đều đặn mỗi tháng 1 lần phải đi truyền 1-2 đơn vị máu. Đợt sau tết lượng máu hiến vẫn chưa nhiều, 2 anh em đi chậm hơn lịch nửa tháng mà đã mệt lả đi, không nuốt nổi cơm, cơ thể suy nhược. Chỉ đến khi con được vào viện, được truyền những giọt máu của người hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng thì sự sống mới hồi sinh trở lại. Lúc này, bố của Trường và Bảo mới dám thở phào.

Cùng với Khương, Trường, Bảo thì trong dịp Lễ hội Xuân hồng lần này cũng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu được truyền máu để tiếp thêm sự sống. Những đơn vị máu được người không quen biết hiến tặng chính là những món quà vô giá. Với họ, đó là những ơn nghĩa mà họ không bao giờ quên được.

Không chỉ sẻ chia, tiếp thêm sự sống cho người bệnh đang điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, mà tình cảm yêu thương, tấm lòng chia sẻ vì người bệnh của người hiến máu trong Lễ hội Xuân Hồng sẽ theo những chuyến xe vận chuyển máu tỏa đi khắp các tỉnh thành trên toàn miền Bắc để kịp thời cứu chữa người bệnh.

Em bé lớn lên cùng Lễ hội Xuân hồng
Những đơn vị máu tiếp nhận được qua các mùa Lễ hội Xuân hồng đã giúp người bệnh được hồi sinh (ảnh C.T)

Cùng với Lễ hội Xuân hồng lần thứ 14 thì trong tuần trước khi diễn ra Lễ hội cùng có 1.450 đơn vị máu được tiếp nhận từ người hiến. Trong cả tháng 2-2021, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 19.802 đơn vị máu. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3, cũng đã có hơn 18.000 đơn vị máu được hiến tặng, có ngày cao điểm đạt hơn 3.000 đơn vị máu.

Trước sự sẻ chia của cộng đồng dành cho người bệnh về máu, TS-bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cảm kích: Mỗi khi Viện phát đi thông điệp kêu gọi hiến máu, đã có hàng chục cơ quan, đơn vị và hàng ngàn người dân không ngần ngại đến hiến máu và lan tỏa thông điệp nhân văn của hoạt động này. “Tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng và sự phối hợp trách nhiệm của các tập thể trong hoạt động hiến máu chắc chắn là liều vắc-xin quý giá với người bệnh cần máu”.

Đến nay, sau 13 lần tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận được trên 85.000 đơn vị máu và trở thành lễ hội hiến máu có số lượng máu tiếp nhận lớn nhất trong năm. Lễ hội Xuân hồng cũng được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo tổ chức tại tất cả các tỉnh, TP trong cả nước. Bên cạnh đó, Lễ hội Xuân hồng còn lan tỏa tới nhiều tỉnh, TP, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhiều đơn vị hưởng ứng và tổ chức.

Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động