Dưới mái nhà đầy đủ mọi tiện nghi là cả một khoảng trống vắng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
|
Hương vị của hạnh phúc
Bất đắc dĩ vui liên hoan với đồng nghiệp cùng cơ quan, tôi mới chịu bỏ bữa cơm gia đình hoặc khi có việc gấp cũng gọi điện để thông báo bố mẹ đừng chờ cơm bởi vận câu các cụ xưa đã dạy: “Người đi không bực bằng người chực nồi cơm!”.
Khi nghĩ về gia đình mình, ai mà không xúc động, nhớ nhất là những bữa cơm được quây quần bên nhau trong một đại gia đình gồm ba thế hệ. Bên mâm cơm quây quần đó, câu chuyện về cuộc sống thường ngày được sẻ chia, là những lo toan vui buồn khó khăn trong công việc kinh doanh, là câu chuyện học tập của con trẻ.
Bữa cơm tuy không có những món ăn ngon, sơn hào hải vị nhưng ngọt ngào, đầm ấm hương vị hạnh phúc là lúc nào cũng đầy đủ các thành viên, nơi đó là những món ăn đạm bạc được vun vén từ bàn tay khéo léo của mẹ.
Nhiều người nghĩ, ăn gì, ăn ở đâu cũng đều là nạp năng lượng vào cơ thể nên thường xem nhẹ việc dùng cơm cùng gia đình. Có người dễ dàng chọn cho mình suất cơm bụi ven đường hoặc sang hơn thì vào hàng quán, đơn giản chỉ để ấm bụng.
Có người lại thích ham vui nhậu nhẹt để tăng thêm mối quan hệ công việc. Có nhiều chị sau giờ làm ở cơ quan, buổi trưa vẫn tất tưởi chạy về lo cho chồng, cho con bữa cơm trưa. Chị nói, đó là bí quyết giữ “lửa” cho hạnh phúc gia đình, làm tròn thiên chức của một người vợ, một người mẹ. Bởi mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Và bữa cơm chính là tế bào của mái ấm gia đình. Khi ta vô tình quên đi điều quan trọng của bữa cơm sum họp hàng ngày thì chính là việc ta đang dần phá vỡ một mái ấm gia đình dù được bao bọc kiên cố bởi ngôi nhà sang trọng.
Vui, buồn chuyện bữa cơm gia đình thời hiện đại
Tôi lại nhớ bữa cơm của gia đình chị gái, nhà có bốn khẩu phần ăn nhưng mỗi bữa cơm tối lại chia thành ba bữa. Chị gái ăn cơm sớm để tiện cho việc giảng dạy hệ liên thông lớp Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh chồng ham vui nhậu nhẹt cùng đồng nghiệp đến tối khuya mới về lục lọi cơm nguội…
Đáng tiếc, trong cuộc sống hiện đại nhiều gia đình trẻ hiện nay đã dần đánh mất đi những giá trị thiêng liêng và cao quý, bị mờ dần sức ảnh hưởng đối với các thành viên trong gia đình. Các bậc cha mẹ thời nay suốt ngày vùi đầu vào công việc, không còn nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái. Nhất là ở thành phố lớn, sự tiếp xúc, liên hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít và lỏng lẻo hơn.
Con còn nhỏ thì đăng ký ăn bán trú nhà trẻ, con đến tuổi đi học vẫn ăn bán trú tại nhà trường. Đôi khi cả ngày con không được gặp mặt cha mẹ, có gia đình cha mẹ giao phó phận sự làm cha, làm mẹ của mình cho người khác.
Nhiều gia đình, con cái có phòng riêng, con đi học về sớm thì tự túc ăn uống rồi vào phòng đóng cửa lại, cha mẹ đi làm về muộn nhiều khi không gặp được con. Và cứ thế, ngày qua ngày, tình cảm giữa cha mẹ và con cái không còn thân thiết nữa, sự ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái bị mờ nhạt dần. Cha mẹ không hiểu được con, con thì không tâm sự với cha mẹ. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Chính điều này đã dẫn đến bất hòa và bất hạnh trong gia đình.
Có những người cả đời nhặt nhạnh, chắt chiu xây tổ ấm, vậy mà khi giật mình nhìn lại chợt chua xót nhận ra, dưới mái nhà đầy đủ mọi tiện nghi là cả một khoảng trống vắng, thiếu nghĩa, thiếu tình. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng rộng ra, sâu hơn.
Có không ít ông bố, bà mẹ hầu như không có thời gian ngó ngàng, chăm sóc con cái vì mải lo kiếm tiền. Thể chất, trí tuệ và tình cảm của trẻ em cứ phát triển tự nhiên như cây cỏ hoang dại, theo các website “xấu” đầy rẫy trên mạng, những câu chuyện chat “ảo” và kết bạn trong thế giới mạng xã hội.
Những bữa cơm sum họp và ấm cúng của gia đình ngày càng ít đi. Con cái dần dần quên đi nghĩa cử tôn kính với ông bà, cha mẹ, chẳng hạn như mời ông bà, cha mẹ trước khi dùng cơm, xới cơm và gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ, rồi rót nước, lấy tăm cho ông bà, cha mẹ sau khi dùng bữa xong.
Đây không phải do lỗi của các em, vì các em đâu có điều kiện để làm việc đó. Vậy nên, đừng nghĩ đó là việc bình thường, đừng nghĩ đó là việc nhỏ và xem nhẹ vai trò của bữa cơm gia đình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại