Thứ hai 25/11/2024 15:17
Từ vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng:

Đừng để bản thân trở thành người có hành vi tiếp tay tội phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi nhận tiền, người bán tài khoản ngân hàng cho rằng, bản thân không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến tài khoản đó nữa. Tuy nhiên, khi các tài khoản này thường được người mua sử dụng vào mục đích lừa đảo, thì khi đó bản thân người mở tài khoản sẽ gặp những rắc rối khi vô tình tiếp tay cho đối tượng lừa đảo.
Đối tượng Lân bị bắt giữ vì sử dụng các TKNH để lừa đảo người mua chim
Đối tượng Lân bị bắt giữ vì sử dụng các TKNH để lừa đảo người mua chim

Mua bán hàng loạt tài khoản để lừa đảo

Chiều 28-9, Cơ quan CSĐT-CA quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đơn vị tiếp tục bắt giữ thêm đối tượng Nguyễn Hoàng Lân, SN 1992, ở Hà Nội, vì liên quan đến ổ nhóm mua bán tài khoản ngân hàng (TKNH), hoặc sử dụng CMND đã tẩy xóa thông tin để đăng ký TKNH nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng tỷ đồng.

Trước đó, CQCA quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Vũ Đức Anh, SN 2000, ở phố Đặng Trần Côn, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội, có hành vi mua bán trái phép thông tin TKNH của người khác.

Được biết, Vũ Đức Anh đã sử dụng Telegram, Zalo, Facebook… đăng thông tin thu mua TKNH của học sinh, sinh viên với giá 400.000 đồng/1 tài khoản với mục đích thanh toán tiền trên mạng, chạy quảng cáo và khuyến khích mọi người mở nhiều tài khoản để thu mua.

Tuy nhiên, sau khi mua, Đức Anh rao bán lại những thông tin TKNH này cho các đối tượng khác với giá 1triệu đồng/ tài khoản, để hưởng tiền chênh lệch. Đồng thời, Đức Anh tuyển một số cộng tác viên cùng làm việc này với mình. Đến thời điểm CQCA phát hiện bắt giữ, Đức Anh khai nhận đã hưởng lợi khoảng 1 tỷ đồng từ hành vi mua bán trái phép thông tin TKNH này.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Đinh Thành Long, SN 1999, ở chung Cư Green Park, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, về hành vi tàng trữ trái phép thông tin về TKNH và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Long lợi dụng việc thưởng tiền qua voucher áp dụng ví điện tử Momo cho lần đăng ký đầu nên đã thu mua nhiều ảnh chụp CMND trên mạng xã hội, rồi chỉnh sửa số CMND để mở TKNH và dùng sim rác để đăng ký Internet Banking. Sau khi chiếm đoạt được các voucher, Long rao bán để lấy tiền sử dụng cá nhân. CQCA thu giữ 2.700 sim điện thoại, trong đó có nhiều sim chứa thông tin TKNH được Long rao bán cho người khác.

Mở rộng điều tra, CA quận Cầu Giấy đã làm rõ và bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Lân, đã mua những TKNH của các đối tượng trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, từ tháng 3-2021, Nguyễn Hoàng Lân lập nhiều kênh Youtube như “Chim cảnh Hải Nhung”, “Chim cảnh Đình Vũ”... để đăng các video có nội dung bán chim cảnh lên những trang này với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mỗi khi có khách gọi điện đến, Lân đều giới thiệu mình đang sống ở Điện Biên và yêu cầu người mua chuyển tiền vào các TKNH đã mua từ hai đối tượng trên. Sau khi người mua chuyển tiền, Lân chặn số điện thoại và không chuyển hàng hoặc chuyển những loại chim không như thỏa thuận.

Hiện vụ việc tiếp tục được điều tra mở rộng và xử lý theo quy định của pháp luật.

Người bán tài khoản ngân hàng có phạm luật?

Cụm từ “mua bán thông tin về TKNH” còn xa lạ với nhiều người. Thực chất đây là việc dùng tên, giấy tờ cá nhân để làm thẻ, mở TKNH, sau đó bán lại cho người khác để lấy tiền. Sau khi nhận tiền, người bán cho rằng, bản thân không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến TKNH đó nữa. Nhưng thực tế, các TKNH này thường được người mua sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những TKNH không chính chủ này.

Luật sư Lê Minh Trường, thuộc Liên Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn TKNH là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo điểm a Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán quy định: Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán. Điểm b Khoản 6 Điều 26 quy định phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.

Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về TKNH. Cụ thể, người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về TKNH của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 đến 500 triệu đồng, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy tình tiết vi phạm tăng nặng. Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Qua thực tế cho thấy, các đối tượng thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng chính tài khoản, thẻ ngân hàng đó vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những người được thuê mở tài khoản, thẻ ngân hàng thường là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập nhấp, ít hiểu biết về pháp luật. Họ gần như không để tâm đến những rắc rối về pháp luật có thể xảy ra nếu đứng tên mở thẻ rồi bán lại cho người khác.

CQCA khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy.
Dương Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động