Thứ bảy 23/11/2024 02:33

Đưa Luật Cư trú vào cuộc sống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực hiện Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND TP Hà nội về Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2022, Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP nhận thức đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
-	Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Cư trú
Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Cư trú

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội cho biết, Luật Cư trú năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Cư trú năm 2006, phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú.

Nhằm bảo đảm tốt quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Cư trú năm 2020 và Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn, Hà Nội đã triển khai nhiều Hội nghị, tập huấn với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực và hiệu quả.

Ngày 18/5, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn cho báo cáo viên pháp luật TP và báo cáo viên pháp luật các quận, huyện, thị xã nhằm phổ biến, quán triệt Luật Cư trú, đã giúp đội ngũ báo cáo viên TP và báo cáo viên các quận, huyện, thị xã nắm được những kiến thức cơ bản để triển khai, truyền đạt sâu rộng xuống cơ sở.

Vừa qua, UBND phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm cũng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới và cơ bản của Luật Cư trú, các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành và trợ giúp pháp lý.

Đồng chí Trương Công Đỉnh - Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 - Sở Tư pháp TP Hà Nội đã truyền đạt những quy định mới, cơ bản của Luật Cư trú năm 2020 và một số văn bản QPPL liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; trách nhiệm của các cấp về đăng ký, quản lý cư trú… thu hút được đông đảo người dân tham gia, giúp Nhân dân nắm bắt và hiểu rõ hơn các quy định hiện hành, phổ biến kịp thời sâu rộng những quy định mới của pháp luật về cư trú.

Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú 2020 và Đề án 06, UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú năm 2020 và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án 06.

Tiến sỹ Trần Thế Hùng - Phó Trưởng phòng Cục Pháp chế, hành chính và cải cách tư pháp - Bộ Công an phổ biến những nội dung quan trọng của Luật cư trú năm 2020 và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tiến Sỹ Trần Thế Hùng cho biết, Luật Cư trú năm 2020, từ năm 2023 sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn có giá trị sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống sang quản lý thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.

Những thay đổi nói trên nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT trong tình hình mới, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.

Đề án 06 của Chính phủ là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thông qua các Hội nghị, các buổi tập huấn giúp các đại biểu nắm rõ các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân và nội dung cơ bản của Luật cư trú năm 2020, Đề án 06, từ đó thực hiện đúng các quy định của pháp luật; đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân những nội dung cơ bản để sớm đưa các quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động