Dù là xe ưu tiên số một khi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông…
Trao đổi với PV báo PL&XH về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.
Luật pháp cũng quy định rất rõ, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
“Do đó, theo quy định trên, dù là xe ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường” – luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định.
Hiện trường vụ va chạm giữa xe cứu hỏa với xe khách trên cao tốc Pháp Vân... |
Thực tế, điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Theo luật sư Thơm, vụ xe cứu hỏa đâm ôtô chở khách trên cao tốc Pháp Vân là vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa đang trên đường đi làm nhiệm vụ cứu hộ và đang di chuyển ngược chiều trên cao tốc với xe khách đang đi trên đường.
Hậu quả làm 1 chiến sỹ hy sinh và nhiều người bị thương nặng trong đó có chiến sĩ của Phòng và người trên xe khách. Cả hai phương tiện đều hư hỏng nặng. Để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải làm rõ mức độ lỗi của bên xe cứu hỏa và xe khách.
“Nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên dù khi mình có đủ khả năng để quan sát xe cứu hỏa đang di chuyển vào đường cao tốc mà không chủ động giảm tốc, nhường đường vào dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ có dấu hiệu phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015” – ông Thơm nói.
Trường hợp “lỗi hỗn hợp”…
Mặt khác, theo luật sư cũng cần thiết phải xem xét việc điều khiển xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ vào đường cao tốc. Dù là xe ưu tiên số 1 nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
“Như vậy, khi Cơ quan PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT quản lý đường cao tốc hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông.
Nếu cơ quan PCCC chưa có biện pháp thông báo cho CSGT hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc thì cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật” – luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Trường hợp này, theo luật sư, cũng giống như xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ cứu hộ xảy ra trên đường sắt thì cần phải thông báo cho ngành đường sắt có biện pháp dừng các đoàn tàu trong thời điểm tham gia cứu hộ, để đảm bảo an toàn.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: "Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác…” |
Thứ hai, khi xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
“Từ những nhận định trên, theo quan điểm của tôi, trường hợp nếu xác định lái xe khách có lỗi trong vụ tai nạn thì là thuộc trường hợp lỗi hỗn hợp – việc xử lý trách nhiệm sẽ xem xét bên nào lỗi nhiều hơn thì bên đó bị xử lý. Tùy theo tính chất mức độ đánh giá, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh xảy ra va chạm, nếu có căn cứ xác định xe PCCC có lỗi chính dẫn tới gây tai nạn thì chưa tới mức truy cứu trách nhiệm lái xe khách là có căn cứ” – lời luật sư.
Đây cũng là bài học cảnh báo chung trong việc năng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, các lực lượng thực thi công vụ trên đường giao thông cũng cần phải tuyệt đối chấp hành luật giao thông đường bộ, chủ động xử lý tình huống, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những phương tiện khác đi trên đường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại