Đối tượng cầm đầu sẽ bị xem xét khung hình phạt cao nhất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác nghi phạm cùng tang vât vụ án. |
Phòng CSHS CA tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa triệt xóa băng cướp manh động do Nguyễn Văn Thi (SN 1997, quê Cà Mau) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, quê Gia Lai) cầm đầu.
CA tỉnh Đồng Nai xác định, băng cướp này sử dụng súng, mã tấu, dao tự chế đe dọa, uy hiếp người đi đường để cướp tài sản, gần nhất là vụ xảy ra trong ngày 7 và 8/12/2022. Hoạt động manh động, liều lĩnh của băng cướp này đã gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân.
Nắm thông tin ban đầu về băng nhóm này, Phòng CSHS - CA tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và CA các địa phương như TP Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Trảng Bom tập trung lực lượng truy xét. Sau 2 ngày, CA đã bắt giữ Thi, Tuấn cùng 9 đồng phạm.
Theo điều tra ban đầu, chỉ trong thời gian ngắn băng này đã gây ra 2 vụ cướp và 2 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tài sản trộm, cướp được chúng đem đi tiêu thụ lấy tiền tiêu xài, sử dụng trái phép chất ma túy. Quá trình bắt giữ các nghi phạm, lực lượng CA đã thu giữ 1 khẩu súng (đang làm rõ chủng loại), nhiều mã tấu và dao tự chế.
Theo cơ quan chức năng, băng nhóm tội phạm này đã đặt mua súng trên mạng xã hội, chuẩn bị thêm nhiều hung khí dao, mã tấu rồi dùng thủ đoạn tổ chức, rình rập ở các đoạn đường vắng, khi phát hiện “con mồi” thì ép xe vào bên đường và dùng súng, dao uy hiếp để cướp tài sản.
Ngoài hành vi cướp, nhóm này cũng thực hiện các vụ trộm cắp. CA tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đang lập hồ sơ xử lý các nghi phạm cả về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các nghi phạm này đều hoạt động tội phạm rất chuyên nghiệp, manh động, trong đó nhiều nghi phạm có tiền án tiền sự.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng hết sức mạnh động, liều lĩnh, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, nên việc CQĐT lập chuyên án bắt giữ các đối tượng là có căn cứ pháp luật.
Cơ quan tố tụng sẽ thu thập lời khai, vật chứng, trưng cầu giám định thương tích các nạn nhân, định giá tài sản, xác định số lần các đối tượng thực hiện hành vi để có căn cứ xác định tội danh và hình phạt cụ thể đối với đối tượng chủ mưu và đồng phạm liên quan.
Vị luật sư phân tích, theo quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015, đồng phạm có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Đồng phạm có hai loại là đồng phạm giản đơn và đồng phạm câu kết chặt chẽ (có tổ chức).
Trong vụ án này, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng chủ mưu, cầm đầu sẽ bị xem xét khung hình phạt cao nhất, những đồng phạm khác giữ vai trò giúp sức, thực hành, xúi giục sẽ bị xử lý về cùng một tội danh những có thể khác nhau về mức hình phạt.
Luật sư Nguyên cho rằng, các đối tượng trong vụ việc có dấu hiệu phạm nhiều tội một lúc như: “Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Vì thế, nếu bị chứng minh có tội, cơ quan tố tụng sẽ tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55 BLHS năm 2015 và sẽ tiến hành xét xử một lần. Sau đó tòa án sẽ quyết định hình phạt cụ thể đối với từng tội và tổng hợp hình phạt.
Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân, hình phạt chung là tù chung thân.
"Những tội danh mà các đối tượng đang bị điều tra đều có khung hình phạt rất cao, vì thế nếu bị chứng minh có tội, các đối tượng có thể đối mặt với chế tài rất nghiêm khắc" - vị luật sư nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại