Đối tượng giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh: Bị truy cứu ở khung hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Thị Tuyến tại CQCA |
Lời khai của “mẹ mìn”
Ngày 23/8, CA TP Hà Nội thông tin chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Thị Tuyến (33 tuổi, Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - nữ đối tượng bắt cóc trẻ sơ sinh tại BVĐK huyện Chương Mỹ. Hiện CA huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự Tuyến về hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".
Theo điều tra, Nguyễn Thị Tuyến đang làm tại một Cty sản xuất đồ chơi trẻ em trên địa bàn. Quá trình làm việc tại Cty, Tuyến quen một nữ đồng nghiệp. Tuyến biết chị này không có con và đang muốn tìm nhận con nuôi.
Do đang thiếu tiền, Tuyến đã nghĩ đến việc chiếm đoạt cháu bé sơ sinh, mang về cho đồng nghiệp nuôi với hy vọng nhận được tiền bồi dưỡng, cảm ơn của chị này.
Với suy nghĩ đó, tối 19/8, Nguyễn Thị Tuyến đã điều khiển xe mô tô đến BVĐK huyện Chương Mỹ. Sau khi gửi xe, Tuyến vào khoa phụ sản (tầng 2 tòa nhà C).
Khi đi qua phòng số 205 (phòng sau sinh), Tuyến phát hiện trong phòng có 2 cháu bé sơ sinh cùng 2 sản phụ và người thân của gia đình, không có nhân viên y tế trực ở đó.
Tuyến lập tức quay ra khu vực cổng BV mua 1 áo blouse màu trắng của nhân viên y tế và 1 chiếc cặp nhiệt độ. Tuyến mặc áo blouse giả làm nhân viên BV rồi quay lại phòng số 205. Cô ta vờ khám cho một cháu bé sơ sinh, bảo cháu bé bị vàng da và yêu cầu người nhà bế cháu bé theo Tuyến lên tầng 3 để khám bệnh.
Khi lên đến tầng 3, gần khu vực phòng mổ, Tuyến bảo người nhà cháu bé chờ bên ngoài còn mình bế cháu bé đó vào bên trong. Tại đây, Tuyến gặp phải một bác sĩ chuyên khoa sản.
Vị bác sĩ này thấy Tuyến mặc áo nhân viên y tế nên đã hỏi một số nội dung nhưng Tuyến không trả lời được. Nghi ngờ Tuyến giả mạo nhân viên y tế nên bác sĩ đã yêu cầu cô ta cùng người nhà cháu bé xuống Khoa Phụ sản để xác minh thông tin. Lúc này, Tuyến biết mình bị phát hiện nên bỏ chạy nhưng đã bị nhân viên bảo vệ BV giữ lại và trình báo CA huyện Chương Mỹ.
Sau khi nhận được tin báo, CA huyện Chương Mỹ đã phối hợp Viện KSND huyện Chương Mỹ đến hiện trường khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc. Vụ án đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Nghi phạm đối diện hình phạt nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng phát hiện và chuyển hồ sơ cho CQĐT xem xét xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo thông tin ban đầu, hành vi của Nguyễn Thị Tuyến đã có dấu hiệu của tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 153 BLHS 2015.
Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ chứng minh Tuyến bắt cóc cháu bé nhằm tống tiền, có thể đối tượng này sẽ bị xử lý hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Nguyên cho biết, chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là hành vi sử dụng mọi phương thức nhằm chiếm giữ trái phép người dưới 16 tuổi. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống cùng bố mẹ, quyền được nhận sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ bố mẹ, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi.
Tội phạm này thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình xâm phạm đến quyền tự do của nạn nhân nhưng mong muốn hậu quả đó xảy ra, muốn chiếm giữ nạn nhân một cách bất hợp pháp.
Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm nhưng mục đích phạm tội ở đây phải nhằm chiếm giữ nạn nhân. Nếu việc chiếm đoạt nạn nhân nhằm mục đích khác sẽ không cấu thành tội phạm này.
Ví dụ, trường hợp chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, chiếm giữ họ để tống tiền gia đình nạn nhân sẽ cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Về hình phạt, theo luật sư Nguyên, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết…sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung.
"Như vậy người bị chứng minh là có tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên", vị luật sư thông tin.
Luật sư Nguyên khuyến cáo, qua vụ việc cho thấy nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với trẻ em bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Chỉ cần người lớn sơ suất là trẻ em có thể gặp nguy hiểm từ việc bị tai nạn, bị bắt cóc hoặc gặp các rủi ro khác như bị bạo hành, xâm hại...
Đứng trước thực trạng nguy hiểm này, các bậc làm cha, làm mẹ, những người giám hộ cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tránh tình huống trẻ em gặp tai nạn hoặc gặp phải đối tượng xấu... BV, đặc biệt là BV nhi, BV sản là những nơi đông người, trong đó có nhiều trẻ em. Nguy cơ trẻ em bị đánh tráo, bị bắt cóc, chiếm đoạt là không nhỏ.
Ngoài việc các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác thì các cơ sở y tế cũng cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Vì món nợ 10 triệu đồng, nữ công nhân trở thành nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh | |
Công an Hà Nội thông tin vụ nữ công nhân bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại