Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào chợ đầu mối: Tạo lối ra cho sản phẩm nông nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm nghiên cứu cho rằng, Gia Lâm có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển dự án chợ đầu mối quốc tế thành công, như diện tích đất, giao thông, nằm gần sân bay. Ảnh: Khánh Huy |
Theo các chuyên gia nhận định, chợ đầu mối không chỉ là nơi trung chuyển nông sản từ vùng sản xuất ở ngoại thành và các tỉnh, thành phố (TP) đến thị trường Hà Nội mà còn giúp truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…
Hà Nội hiện có một số chợ đầu mối nông sản hoạt động khá hiệu quả như: Chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có tổng diện tích 23.400m2, với 468 hộ kinh doanh. Hàng ngày, có khoảng 200 - 400 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ, chủ yếu từ các huyện Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội); các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và các tỉnh phía Nam để đưa đi các chợ bán lẻ.
Chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) có quy mô 30.000m2, hiện thu hút gần 1.000 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản, thực phẩm được vận chuyển đến đây từ một số huyện như: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, TP còn một số chợ hoạt động mang tính chất đầu mối chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản như: Long Biên, Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Vỹ... Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chợ này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong đó có thể kể đến là quy mô nhỏ, chưa đảm nhận được chức năng tập trung mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội; chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường; chợ nằm ở khu vực trung tâm TP, không còn quỹ đất mở rộng nên thường xuyên bị quá tải; phần lớn hàng hóa chưa thể truy xuất nguồn gốc… Đáng nói, các chợ đầu mối này mới chỉ chủ yếu phân phối hàng hóa cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chưa đảm nhiệm được chức năng xuất khẩu nông sản ra nước ngoài...
Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 5 chợ đầu mối nông sản tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Ba Vì, quy mô mỗi chợ lên tới 20-30ha.
Mới đây, Hãng quản lý chợ đầu mối lớn nhất của Pháp vừa hoàn thành nghiên cứu dự án chợ nông sản đầu mối quốc tế cho Hà Nội trên diện tích 100 hecta, chi phí hơn 7.000 tỷ đồng, trở thành nơi cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô và xa hơn nữa.
Ngày 4/10 vừa qua, đã diễn ra cuộc họp tổng kết nghiên cứu khả thi của dự án nói trên. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, nghiên cứu do Semmaris thực hiện, dùng nguồn tài trợ của Chính phủ Pháp, với mong muốn tạo nên một chợ đầu mối không chỉ đóng vai trò quan trọng với người dân Thủ đô, mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đại sứ Brochet cũng cho rằng đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy việc quản lý chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng như thế nào.
Được biết, Semmaris là cơ quan quản lý chợ đầu mối Rungis ở Paris, nơi cung cấp thực phẩm không chỉ cho 12 triệu dân thủ đô Paris mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp. Dự án nghiên cứu chợ nông sản đầu mối cho Hà Nội được Semmaris thực hiện từ năm 2019 đến nay đã hoàn thành.
Ông Bertrand Ambroise - Giám đốc đối ngoại công ty Semmaris cho biết, đề án tận dụng tất cả những kinh nghiệm rút ra từ quá trình xây dựng và quản lý chợ Rungis Paris, kết hợp khảo sát thực địa tại các chợ đầu mối của Hà Nội, như chợ Minh Khai, Đền Lừ, Yên Sở, Long Biên. Nghiên cứu nhận thấy, đặc điểm chung của các khu chợ này là có nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm, từ đó có thể gây vấn đề cho sức khỏe của người dân. Vì thế, cần hiện đại hóa tất cả dây chuyền cung ứng. Giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra là đóng cửa những cơ sở hạ tầng có nguy cơ lớn, quy tụ tất cả hộ kinh doanh bán sỉ vào một chợ đầu mối, còn những chợ đầu mối và có tính đầu mối hiện nay của Hà Nội đều chuyển thành chợ bán lẻ.
Xuất phát từ kết quả nghiên cứu, Semmatis đề xuất xây dựng một chợ đầu mối nông sản quốc tế rộng 100 hecta tại Gia Lâm.
Trong dự án sẽ tách riêng làm 2 khu: Khu chợ rộng 60ha và khu nhà kho - hậu cần rộng 40ha. Phần chợ sẽ gồm 5 khu, để phân phối tất cả nông sản đang có trên thị trường Hà Nội.
Tại buổi tổng kết nghiên cứu dự án, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, để triển khai dự án còn rất nhiều công việc cần làm. Trước hết TP sẽ tích hợp thông tin dự án vào quy hoạch Thủ đô để trình Quốc hội phê duyệt, sau đó giao cho các Sở, ngành của TP để tổ chức kêu gọi xúc tiến đầu tư. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại