Truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản tại Hà Nội: Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội tiếp tục duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm TP Hà Nội" (check.hanoi.gov.vn) để quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.313 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản, tăng 212 cơ sở so với năm 2021. Đồng thời, đã cấp 12.466 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống, tăng 1.554 sản phẩm so với năm 2021.
Bên cạnh đó đã duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ (GIS) ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn)…
Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống 10-30%. Hệ thống điện tử (check.hanoi.gov.vn) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Ngoài những kết quả trên, TP còn thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố để phối hợp công tác kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sản, nhằm hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Số lượng sản phẩm của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương nhân kinh doanh của Hà Nội tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua, nhất là sau thời gian chuyển sang trạng thái bình thường mới. Theo báo cáo ước tính các chuỗi của 43 tỉnh, TP trong năm 2022 đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn trái cây; 60.429 tấn thịt; trên 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng. Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Ông Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời nâng cao nhận thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản. Đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản phục vụ đặc biệt là những ngày lễ, Tết trong năm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất, chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong phát triển nông nghiệp thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ.
“Đặc biệt, TP Hà Nội khuyến khích áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn. Duy trì, phát triển thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam | |
Để người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi | |
Bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại