Để người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNếu chỉ sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng chưa thể đảm bảo việc bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng mà cần có sự hài hòa với những luật khác như pháp luật về dân sự, quảng cáo, thương mại |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang phát sinh nhiều bất cập
Hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, nhất là các giao dịch trên môi trường điện tử, giao dịch xuyên biên giới, dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số.
Chính vì vậy, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài.
Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất.
Bên cạnh đó, các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ; phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết.
Theo luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, nên có sự bổ sung trong quy định giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng. Về chính sách, thêm khoản 6, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững. Dự thảo Luật sửa đổi thay đổi khái niệm “hàng hóa” bằng “sản phẩm”, trong khi về mặt ngữ nghĩa, cụm từ “hàng hóa, dịch vụ” có ý nghĩa chính xác hơn là “sản phẩm, dịch vụ”. Bởi vì hàng hóa là sản vật dùng để bán nói chung, còn sản phẩm gọi chung cái do con người lao động tạo ra, gồm nhiều thứ từ vật chất đến tinh thần như sản phẩm trí tuệ, hay được tạo ra như một kết quả tự nhiên như sản phẩm nông nghiệp.
Cần có sự hài hòa với những luật khác
Theo một số chuyên gia, nếu chỉ sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng chưa thể đảm bảo việc bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng mà cần có sự hài hòa với những luật khác như pháp luật về dân sự, quảng cáo, thương mại... Người tiêu dùng, về lý thuyết là người có quyền lực rất mạnh nhưng trong thực tiễn do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thiếu kiến thức, kinh nghiệm về sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, luật pháp và thực thi pháp luật chưa đảm bảo kiểm tra, giám soát chặt chẽ, nên quyền lực người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu, nhất là tại một số nước có nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện như Việt Nam.
Cùng với việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính sự thông thái của người tiêu dùng mới mang lại quyền lợi cho chính mình và cả DN. Đồng thời, cộng đồng DN luôn phải nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm trong cạnh tranh và phục vụ tốt người tiêu dùng, nếu không muốn bị loại khỏi thị trường.
Bà Trần Thị Thanh Thư - đại diện Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng, khái niệm người tiêu dùng trong dự thảo là quá hẹp về phạm vi chủ thể và vô tình bỏ qua những chủ thể người tiêu dùng xứng đáng được bảo vệ trên thực tế như người tiêu dùng là tổ chức, DN. Tại Dự thảo Luật, Khoản 1, Điều 3 quy định rằng, người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình… Có thể thấy dự thảo chỉ tập trung bảo vệ người tiêu dùng là cá nhân và loạt bỏ khái niệm người tiêu dùng là tổ chức.
Góp ý về nghĩa vụ của người tiêu dùng, TS. Phan Thị Hương Giang - giảng viên ĐH Kinh tế - Luật cho rằng, theo dự thảo Luật người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hoá trước khi nhận để đảm bảo không gặp phải những rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hoá. Tuy nhiên, trường hợp này không chỉ là nghĩa vụ, mà nó còn phải là quyền của người tiêu dùng. Vì nhiều trường hợp người tiêu dùng mua hàng qua các sàn thương mại điện tử và các sàn này không cho phép người tiêu dùng được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Thay vì chỉ quy định là nghĩa vụ thì chúng ta nên thay đổi nó là quyền của người tiêu dùng, đặc biệt cũng cần quy định đấy là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân này phải cho người tiêu dùng kiểm tra hàng hoá trước khi nhận.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình - Văn phòng luật sư Thành Trung, về việc tạm ứng án phí khi người tiêu dùng tổ chức khởi kiện tại tòa. Tại sao Luật không để là miễn tạm ứng án phí? “Ví dụ: Đối với luật chuyên ngành là Luật Lao động quy định rất rõ là người lao động đi kiện thì không phải nộp tạm ứng án phí; hay người cao tuổi (trên 60 tuổi) theo Luật Người cao tuổi trong Bộ luật Dân sự nếu đi kiện cũng sẽ được miễn tạm ứng án phí… vậy tại sao ở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng lại phải tạm ứng án phí?
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung lớn của Luật hiện hành như hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa gồm sàn thương mại điện tử, các DN cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại