Thứ hai 22/07/2024 21:15
Vụ án nhóm nữ sinh đánh bạn gây thương tích 14% ở Hưng Yên:

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực trạng học sinh bị đánh hội đồng khiến dư luận quan tâm, bất bình. Những học sinh với lứa tuổi chỉ từ 15 – 17 tuổi có hành vi như vậy có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình?
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

Ảnh: Nhóm nữ sinh đánh bạn.

Ảnh: CACC

Xử lý hình sự nhóm nữ sinh đánh bạn

Mới đây, CATP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra trên địa bàn. Đáng nói, các đối tượng trong vụ án đều là nữ sinh, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 15 - 17 tuổi, hầu hết đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo tài liệu của CQCA, vào khoảng 22h30 ngày 17/5, tại khu vực vỉa hè tượng đài Nguyễn Văn Linh, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên; Nguyễn Trần Khánh V, SN 2009, trú tại xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; Phạm Thị Thùy T, SN 2008, trú xã Hoàng Hanh, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và Đào Ngọc Y, SN 2007, trú xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã chặn đường đánh và gây thương tích cho một nữ sinh.

Nạn nhân sau đó được người dân và lực lượng chức năng đưa tới cơ sở y tế để điều trị. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, nạn nhân là cháu Nguyễn Hà N, SN 2009, trú Văn Miếu, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên, là người dưới 16 tuổi. Sau khi được chữa trị, nạn nhân được xác định bị tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 14%.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 12/7, CATP Hưng Yên đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc trên. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đào Ngọc Y về hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134, Bộ luật Hình sự. Hai đối tượng còn lại là Nguyễn Trần Khánh V và Phạm Thị Thùy T phải lập hồ sơ, áp dụng biện pháp giáo dục tại nơi cư trú.

Cần tăng cường công tác phố biến giáo dục pháp luật

Qua vụ án việc trên, bạn đọc đặt câu hỏi, nhóm nữ sinh có độ tuổi từ 15-17 đánh bạn gây thương tích sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Cố ý gây thương tích” quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên đối với vụ việc trên các nghi phạm chỉ từ 15 - 17 tuổi, hầu hết đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo đó, tại khoản 2 Điều 12, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: độ tuổi từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Về mức bồi thường cho nạn nhân, luật sư Thái cho rằng, có thể áp dụng theo Điều 599, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian ở trường học...

Theo đó, người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi phải bồi thường.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, sự việc học sinh bị bạn đánh liên tiếp xảy ra gần đây là một thực trạng hết sức đáng buồn, thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Cả nạn nhân và nhóm đối tượng hành hung đều con đang trong đội tuổi tới trường, nhận thức còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, các em luôn có xu hướng “nổi loạn” mất phương hướng và thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ gia đình và nhà trường. Chính vì vậy, nhà trường cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh về những tác hại trong bạo lực học đường và gia đình cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của “lứa tuổi dậy thì” này để phòng tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Học sinh đánh bạn khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự?
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động