Thứ hai 29/04/2024 20:07

Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những năm qua “Ngày cao điểm chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Ngày Chủ nhật xanh” do Trung ương Đoàn phát động đã và đang được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo thanh niên và Nhân dân tham gia; đã có những tác động thiết thực, huy động nguồn lực xã hội lớn, làm mới hàng nghìn kilômét đường nông thôn, thắp sáng đường thôn bản, xây mới hàng nghìn cây cầu dân sinh, nhà văn hóa thôn; thành lập mới các Hợp tác xã thanh niên, trồng hoa, cây xanh ở hàng vạn tuyến đường.
Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023
TƯ Đoàn phát động lễ ra quân Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh” điểm cấp Trung ương năm 2023. Ảnh: TƯ Đoàn TNCS HCM

Nhiều mô hình đã lan tỏa rộng khắp như: Con đường bích họa, Thắp sáng đường quê, Tuyến đường kiểu mẫu, Giữ sạch cánh đồng quê hương, Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường cấp xã, Làng xã Xanh - Sạch - Đẹp, Tuyến đường Thanh niên tự quản, Ngày Thứ 7 Tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh,… đã góp phần rất lớn vào thành tựu xây dựng nông thôn mới của đất nước.

Vào ngày 23/7, tại Ninh Bình, TƯ Đoàn phát động lễ ra quân Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh” điểm cấp Trung ương năm 2023.

Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023
Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn tặng quà cho các gia đình chính sách. Ảnh: TƯ Đoàn TNCS HCM

Cùng thời điểm, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Dự và chủ trì lễ ra quân, có đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đoàn; đồng chí Trịnh Như Lâm, Bí thư tỉnh Đoàn; Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo địa phương và hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên tỉnh Ninh Bình.

Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Chủ Nhật xanh lần III” năm 2023 định hướng các cấp bộ Đoàn vào các hoạt động: Tuyên truyền về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ thanh niên nghèo, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tham gia xây dựng, tu bổ cầu và đường tại nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; xây dựng các mô hình kinh tế của thanh niên, các mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế của thanh niên;

Hỗ trợ thanh niên nông thôn trong học nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ thanh niên nông thôn vốn vay phát triển sản xuất; tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn; xây dựng các mô hình, đội hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường; tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ; hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác thải hữu cơ… Đây là những vấn đề trọng yếu trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023
Lễ khánh thành công trình bích họa. Ảnh: TƯ Đoàn TNCS HCM

Tại lễ ra quân, đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn cho biết, để triển khai hiệu quả Ngày cao điểm chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh lần thứ III, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023 các cấp bộ Đoàn cần chủ động triển khai sáng tạo, đa dạng các nội dung tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, giúp thanh niên nông thôn có kiến thức, có điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp, làm giàu từ nghề nông, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quản lý tài nguyên nông nghiệp và phát triển các dịch vụ liên quan đến nông thôn.

Phát huy sức trẻ, tinh thần và trí tuệ của tuổi trẻ để tham gia giải quyết những thách thức của nông thôn, đồng thời đóng góp ý kiến và ý tưởng của mình để tạo ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả.

Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023
Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn TNCS HCM thăm hỏi các gia đình chính sách

Đoàn viên, thanh niên tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng chuyển đổi số và khai thác tiềm năng kinh tế số trong quản lý sản xuất, quảng bá và thúc đẩy xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của địa phương. Qua đó phát huy khả năng ứng dụng công nghệ số của thanh niên để hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền, truyền thông và hỗ trợ bà con sử dụng các ứng dụng số.

Đồng chí Ngô Văn Cương nhấn mạnh Đoàn cơ sở cần tập trung đưa các đội hình tri thức trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới về địa phương, nghiên cứu và khởi xướng các dự án khởi nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế nông thôn.

Thông qua chương trình, đoàn viên, thanh niên sẽ có thêm nhiều công trình, mô hình mới góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền về các hoạt động, chương trình ý nghĩa, giới thiệu mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới tới nhiều địa phương khác.

Các cấp bộ Đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Bởi trước đó, đã có nhiều thanh niên bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các sản phẩm OCCOP của thanh niên cần được đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, như chương trình của TƯ Đoàn đã thực hiện ở Bắc Kạn, Bắc Giang.

Đồng loạt tổ chức các hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2023
Chương trình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh. Ảnh: Đoàn TNCS HCM

Ngày cao điểm Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh đồng loạt trên toàn quốc sẽ tiếp tục là cơ hội cho tuổi trẻ khẳng định quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Sau phần lễ phát động là các hoạt động: Khai trương gian hàng nông nghiệp số trên nền tảng Metaverse - nơi triển lãm nông sản trực tuyến; triển lãm quảng bá du lịch Ninh Bình trên nền tảng số; thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng; Thực hiện Công trình “Hàng cây thanh niên”; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 300 đối tượng chính sách; mở tài khoản thanh toán điện tử, cấp mã QR giao dịch, thanh toán điện tử cho 500 tiểu thương trên địa bàn; ra mắt mô hình “Làng quê đáng sống”; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 100 đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế; khánh thành công trình thanh niên “Tuyến đường bích họa” tham gia xây dựng ngôi trường hạnh phúc; Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn phát sinh ở nông thôn.

Nhân dịp này, Trung ương Đoàn trao tặng cho tỉnh đoàn Ninh Bình: 1 mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh ở nông thôn trị giá 100 triệu đồng; 1 sàn nông sản trên vũ trụ ảo Metaverse trị giá 100 triệu đồng; mô hình tuyến đường “Thắp sáng đường quê” trị giá 125 triệu đồng.

Tỉnh đoàn Ninh Bình trao tặng cho địa phương: Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trị giá 125 triệu đồng; Công trình “Thắp sáng đường quê” trị giá 100 triệu đồng; 1 Công trình “Hàng cây thanh niên” và 40 thùng rác công cộng trị giá 50 triệu đồng; công trình thanh niên “Tuyến đường bích họa” trị giá 65 triệu đồng; tặng 17 sổ bảo hiểm xã hội cho đối tượng khó khăn chưa tham gia BHXH trị giá 33.660.000 đồng; phối hợp trao tặng 10 chiếc xe đạp (mỗi chiếc trị giá 2 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thành đoàn Hà Nội đã tặng công trình “Thư viện 4.0 cho em” gồm 5 máy tính; trao 20 suất học bổng cho các em có thành tích vượt khó trong học tập, mỗi suất trị giá 9 triệu đồng; dự án “Tủ sách cho em” quyên góp 300 đầu sách cho thư viện trường TH&THCS Tân Bình; mua trang thiết bị và thực hiện thi công công trình thanh niên khu vui chơi cho thiếu nhi tại nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) trị giá 30 triệu đồng; Kết nối giữa nhà tài trợ và Nhân dân ký kết phương án hỗ trợ giống cây, kỹ thuật, phân bón, bao tiêu sản phẩm trồng thử nghiệm 1 hecta/300 cây mai (loại cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương), hướng dẫn phân loại, xử lý nước thải vệ sinh môi trường.

Bàn giao, chuyển giao công nghệ sử dụng phân vi sinh; trồng 200 cây phong linh vàng, 50 cây xanh tại trục đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Bình và tuyến đường xung quanh; phòng chống dịch, bệnh, xử lý rác thải vườn ao chuồng cho nhân dân; thăm hỏi và tặng 20 suất quà, giúp đỡ các gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn trên toàn xã, trị giá 12 triệu đồng; giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng một buổi công làm việc; dâng hoa, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, dọn dẹp, tổng vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ;... tham gia hoạt động sửa chữa và xây mới đường giao thông nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động