Thứ hai 25/11/2024 21:38
Bạo lực học đường, ngăn chặn bằng cách nào?-Kỳ 2:

Đình chỉ học sinh đánh bạn, khó giải quyết tận gốc được vấn đề?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, trong năm học trước, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 vụ/ngày). Con số thống kêtừ Trung tâm Kỹ năng sống Hoàn Năng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực. 

Giải pháp hiệu quả

Khi xảy ra bạo lực, đầu tiên người ta sẽ nói đến trách nhiệm giáo dục của nhà trường và biện pháp xử lý tức thời. Đa số học sinh tham gia bạo lực sẽ bị đánh giá hạnh kiểm và đình chỉ học có thời hạn. Liệu đó có phải là giải pháp hạn chế bạo lực hay không?

Câu chuyện này diễn ra đã khá lâu, nhưng đến nay, câu hỏi xuất phát từ câu chuyện vẫn đang cần lời giải đáp. Vào ngày 13-3-2015, Hội đồng kỷ luật trường THCS Trần Quốc Toản, (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) có quyết định tạm đình chỉ học tập 1 tuần (từ ngày 16-3 đến ngày 21-3-2015) đối với em N vì vi phạm nội quy nhà trường, đánh bạn học.

Tuy nhiên, sau đó em N lại tiếp tục tái phạm và nhà trường quyết định đình chỉ học tập 1 năm (từ ngày 20-4-2015 đến ngày 19-4-2016). Sau khi biết mình bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm, em N đã uống thuốc tự tử, rất may gia đình sớm phát hiện, sau 3 ngày nằm viện, em N đã xuất viện về nhà.

Một câu chuyện khác được NGƯT, Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) kể: Trong trường, có một nữ sinh có tiếng ăn chơi, nhiều lần gây gổ, đánh bạn và sinh con khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến xin nhập học. Không những phụ huynh phản ứng mà giáo viên cũng không muốn nhận vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp.

Cuối cùng, một giáo viên chịu nhận nữ sinh này. Hiện nay, em đã đi làm sau khi tốt nghiệp trường CĐ y tế Đà Nẵng. Những câu chuyện đó cho chúng ta câu hỏi: Khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, khi có học sinh vi phạm thì chúng ta sẽ xử lý thế nào? Buộc thôi học, hay tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để trẻ không tái phạm? Và nếu đình chỉ học sinh, thì sau đó sẽ là gì?

Phần lớn biện pháp đối với học sinh vi phạm kỷ luật, tham gia bạo lực sẽ theo các bậc: Hạ hạnh kiểm, cảnh cáo toàn trường, đình chỉ học có thời hạn, buộc thôi học. Nhưng liệu tách học sinh ra khỏi môi trường giáo dục nhà trường có phải là biện pháp hạn chế được bạo lực hay không?

ky 2 dinh chi hoc sinh danh ban kho giai quyet tan goc duoc van de

Phần lớn các vụ bạo lực học đường diễn ra ngoài môi trường học đường, biện pháp đình chỉ các em vi phạm khó giải quyết được vấn đề. ẢNH TƯ LIỆU

Đuổi học giống như chối bỏ trách nhiệm?

Nhiều ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho rằng: Cách xử phạt bằng đuổi học (dù phạm lỗi vì lý do gì) là cách chối bỏ trách nhiệm của các nhà giáo dục. Có thể đối với xã hội trước đây đó là phương pháp tốt (ví như trước đây không được đi học là đau khổ đối với học sinh, không đến trường bố mẹ vẫn quản lý được ở nhà và thời gian ở nhà là để hối lỗi) nhưng với thời đại hiện nay, khi cám dỗ bủa vây ngoài cổng trường thì việc phạt bằng cách không cho học sinh đến trường là một phương pháp giáo dục sai lầm. Nghỉ học một tuần là đủ thời gian để đưa một đứa trẻ trượt sâu hơn vào những mê lộ của cuộc đời.

Dưới góc độ nhà tâm lý giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng - cho rằng: Loại học sinh ra ngoài một cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông chỉ chứng tỏ sự thất bại của giáo dục. Ở bậc ĐH, đào thải là cần thiết vì ở đó là đào tạo nghề.

Còn ở phổ thông là giáo dục con người, là nơi con người hình thành, phát triển nhân cách, kỹ năng, phẩm chất để bước vào cuộc sống. Việc đẩy những đứa trẻ bị xem là hư ra đường là trái với tinh thần nhân văn.

Ông cũng cho rằng, không thể dùng đòn roi với học sinh hư, bởi bạo lực chỉ truyền đi thông điệp bạo lực. Khi sử dụng đòn roi, đó chính là lúc người thầy bất lực trong cách giáo dục trò. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cần có phương pháp để giáo dục học trò: “Thứ nhất phải tôn trọng học trò, chấp nhận cả ưu và nhược điểm của chúng.

Hai là cho phép học trò lựa chọn những hình thức giáo dục phù hợp. Tiếp đó là không vội vàng kỷ luật học sinh, luôn giải quyết vấn đề một cách khách quan và cuối cùng người thầy phải biết gieo nhu cầu cho học sinh, để chính chúng thấy việc học là cần thiết, học sinh biết giá trị của sự tôn trọng, biết yêu thương hơn”.

Trên thực tế, bạo lực học đường là vấn đề xã hội, như rất nhiều phân tích, nó phát sinh bởi rất nhiều yếu tố: Giáo dục, ảnh hưởng gia đình, áp lực học hành, sao chép hành vi xã hội, ảnh hưởng xấu của mạng xã hội và môi trường internet… Và các vụ bạo lực, đa phần diễn ra ngoài môi trường lớp học. Nghĩa là các em thực hiện hành vi đánh nhau khi không ở môi trường lớp học như: Trên đường đi học, trên đường về, các quán game, hẹn nhau ở địa điểm riêng giải quyết mâu thuẫn.

Nếu đình chỉ học, không cho các em đến lớp, vậy thời gian không đến lớp các em ở đâu? Nếu gia đình không quản lý chặt con cái, điều đó đồng nghĩa với việc các em có thể tiếp xúc với những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Điều cần thiết đối với các em chính là sự hỗ trợ về tâm lý, thay vì đình chỉ học tập. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó HT trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ: Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Khi xem những clip bạo hành, nhiều người đổ lỗi cho nhà trường. Thật ra, đây không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý. Những học sinh bị đánh dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Kẻ đánh người, nhân cách dễ bị biến chất, lớn lên sẽ là người hay gây sự, gây bạo lực gia đình, xã hội.

Theo ông Lâm, nguyên nhân chính là việc buông lỏng giáo dục của gia đình. Nhiều gia đình lơ là việc học tập, sinh hoạt và suy nghĩ của con. Nhiều nhà cha mẹ bất hòa khiến các em ít được quan tâm giáo dục, chúng có thể giấu trong lòng sự ấm ức, khi gặp những cú sốc lớn dễ bộc phát.

Những nghiên cứu về mặt tâm lý cho thấy, những triệu chứng như hung hãn, những rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát từ những rối nhiễu từ trong giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ ở trong gia đình… Vì vậy, đuổi học chính là đóng cánh cửa tương lai đối với các em. Thay vì biện pháp có tính tức thời, thì giải pháp chống bạo lực học đường cần lâu giải và nhiều môi trường văn hóa hơn.

(Còn nữa)

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động