Dịch vụ SMS Banking cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhí tin nhắn tăng cao, ngân hàng khuyến khích người dân sử dụng app |
Ngân hàng thu phí tin nhắn SMS tăng cao
Theo khảo sát, từ trước năm 2021, trung bình các ngân hàng thu phí tin nhắn SMS đối với khách hàng khoảng 11.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng mức phí này lên sát với mức phí nhà mạng thu của ngân hàng.
Cụ thể, thời gian vừa qua nhiều khách hàng của Vietcombank cho biết tháng 1-2022 phí SMS Banking tăng cao tối đa lên tới 77.000 đồng/tháng.
Ngoài Vietcombank, nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức thu phí mới, ngang với mức phí các nhà mạng từ năm 2022, như Techcombank thu phí 15 tin nhắn/tháng 13.200 đồng, từ 16 đến 30 tin nhắn 19.000 đồng, từ 31 đến 60 tin nhắn 44.000 đồng, từ 61 tin nhắn trở lên 82.500 đồng.
BIDV thu 9.900 đồng đối với 15 tin nhắn/tháng, từ 16 đến 50 tin nhắn thu 33.000 đồng, từ 51 đến 100 tin nhắn thu 60.500 đồng và hơn 100 tin nhắn thu 77.000 đồng.
Trước thực trạng này, đại diện các ngân hàng cho biết hiện đa số khách hàng đều dùng app nên ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng thông báo qua các app của ngân hàng thay vì nhận tin nhắn qua SMS. Nguyên nhân là do phí nhà mạng dành cho khách hàng DN cao hơn nhiều so với khách hàng cá nhân.
Lãnh đạo Khối Ngân hàng số MB Bank cho biết: Chúng tôi đang áp dụng mức 13.200 đồng/tháng (đã gồm thuế) đối với dịch vụ tin nhắn SMS Banking. Đây là mức giá được tính toán dựa trên số tin nhắn bình quân một khách hàng nhận được khoảng 13 đến 15 tin/tháng.
Bên cạnh đó, giá cước tin nhắn ngân hàng phải trả cho nhà mạng hiện rất cao. Từ năm 2015 về trước, các Cty viễn thông chỉ thu phí 150-320 đồng/tin nhắn nhưng vài năm gần đây mức phí tăng lên gấp từ 2,5 đến 5 lần.
Hiện các ngân hàng cũng đang phải trích lợi nhuận để bù đắp cho nhiều chi phí khác như: Đầu tư hệ thống, hệ thống chuyển mạch đối tác, Cty viễn thông...
Vì vậy, với quy mô vốn đầu tư cho công nghệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà dịch vụ nào cũng miễn phí thì ngân hàng sẽ không trụ nổi.
Theo các nhà mạng, dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh brandname, đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng phải cao hơn so với tin nhắn thông thường...
Giải pháp “thu phí trọn gói”
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến về vấn đề giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ SMS Banking.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến nay, các ngân hàng đã miễn toàn bộ phí thanh toán giao dịch tài khoản cho khách hàng.
Đồng thời, trước tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các ngân hàng dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Việc tiếp tục miễn toàn bộ phí giao dịch qua tài khoản đã khiến các ngân hàng không còn nguồn thu để bù lỗ cho khách hàng sử dụng tin nhắn dịch vụ ngân hàng như trước đây.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Viễn thông và Ngân hàng đều là hai ngành lớn trong nền kinh tế và có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Do đó, các ngân hàng và các DN viễn thông cần có sự hợp tác tốt hơn nữa, cùng thống nhất và đưa ra được phương án tính phí tin nhắn phù hợp đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên.
Đại diện các ngân hàng cho biết tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) đang diễn ra phổ biến và từ đó ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Các ngân hàng phải dành một khoản chi phí lớn để truyền thông cảnh báo giúp khách hàng nhận diện và phòng tránh những rủi ro liên quan đến đối tượng lừa đảo qua hình thức tin nhắn.
Để bù đắp chi phí và giúp khách hàng tránh được những rủi ro lừa đảo qua SMS brandname, các ngân hàng đã và đang khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các tiện ích của ngân hàng số và sử dụng xác thực giao dịch thông qua Smart OTP.
Vì vậy, các ngân hàng đề nghị nhà mạng xem xét thu mức phí SMS Banking sao cho hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của DN viễn thông, tổ chức tín dụng và khách hàng.
Bên cạnh đó, việc giảm phí SMS Banking cũng góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều bày tỏ đồng cảm và chia sẻ đối với những khó khăn của các ngân hàng, vì đây cũng là những khó khăn mà các DN viễn thông đang gặp phải. Do vậy, các DN viễn thông đề xuất: thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo phương án trọn gói, các DN viễn thông cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Đối với tình trạng SMS brandname, các DN viễn thông cho biết, tình trạng này không xuất phát từ hệ thống của nhà mạng mà do các đối tượng tội phạm sử dụng các trạm di động ảo để chèn sóng.
Hiện tại, các nhà mạng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hoạt động truy tìm các đối tượng tội phạm này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tất cả các ý kiến tại cuộc họp sẽ được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tập hợp lại, sau cuộc họp sẽ có báo cáo gửi tới lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và các nhà mạng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại