Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc giảm thuế suất thuế VAT góp phần làm giảm giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. |
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về chính sách giảm VAT năm 2023. Trong văn bản này, Vụ Chính sách thuế cho biết, tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT cho DN, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023, cụ thể:
Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành, dự kiến trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Để có cơ sở báo cáo, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 15 của Chính phủ và đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên để đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.
Trước đó, Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023. Để giúp DN duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch, Hội tư vấn thuế Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng trong cả năm 2023.
Góp phần giảm áp lực lạm phát
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, đơn vị này nhận được nhiều ý kiến cộng đồng DN, các hiệp hội đánh giá cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất VAT. Hội đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 nhằm duy trì đà tăng trưởng và phục hồi sau dịch Covid-19.
“Phương án giảm 2% thuế VAT cho tất cả các mặt hàng có sức tác động lớn hơn, bên cạnh đó thuận tiện cho công tác hạch toán thuế đầu vào - đầu ra tại các đơn vị và cũng không còn vướng mắc về phân loại sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế” - bà Cúc cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm thuế suất thuế VAT góp phần làm giảm giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giảm thuế VAT cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hiện tại có 2 mức thuế suất 10% và 5%, nhiều ý kiến thắc mắc vậy tại sao mặt hàng có thuế suất 5% lại không được giảm sẽ gây nên sự thiếu công bằng.
Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,505 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các chính sách kích cầu phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Dù vậy, nếu xét về quy mô thì vẫn chưa tương xứng được với giai đoạn trước Covid-19, Chính vì thế, để tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách thuế sẽ chỉ thật sự hiệu quả nếu quá trình thực thi đơn giản, thuận tiện và được kiểm soát chặt chẽ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại