Thứ hai 20/05/2024 00:29

Đề xuất mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu được mua điện tái tạo không qua EVN

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Đề xuất mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu được mua điện tái tạo không qua EVN
Nhà máy điện gió Đông Hải 1, Trà Vinh. Ảnh: Ngọc Hà.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Trong đó, cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

Góp ý nội dung này, VCCI cho biết, cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định).

Về đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Điều 7 của dự thảo quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo.

Do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 7 của dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.

Thêm vào đó, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.

Về yêu cầu đối với khách hàng sử dụng điện khi mua qua đường dây riêng, theo VCCI, việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tùy vào thỏa thuận cụ thể giữa hai bên. Vì vậy, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thỏa thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.

Thực tế, cơ chế DPPA đã được một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike (có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng), từng đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi các tập đoàn này cho rằng, chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng

Theo Bộ Công Thương, khảo sát năm trước cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu gần 1.000 MW; 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA; 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Hà Nội triển khai 4 nhóm giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc cho nguồn điện mặt trời mái nhà và điện rác
Không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động