Để Thủ đô xứng tầm khu vực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHuyện Gia Lâm, Hà Nội được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng giao thông. Ảnh: Khánh Huy |
Hà Nội cần cơ chế vượt trội
Ông Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bắc Giang nhấn mạnh: Hà Nội là trái tim của cả nước nên người dân đều mong muốn xây dựng, phát triển thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò. Vì thế, Thủ đô phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ giữa thủ đô Hà Nội với các các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước. “Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông để Hà Nội có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô”, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH Bắc Giang gợi mở.
Bên cạnh đó, quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội cần được quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng diện áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và Công nghệ. TP quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hà Nội.
HĐND TP cũng quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận định: với quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả người ở nước ngoài, không chỉ là những người gốc Hà Nội mà còn từ các địa phương và kiều bào muốn đến sinh sống và làm việc. Điều quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.
Ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội chia sẻ: Thủ đô là nơi tập trung rất nhiều các bệnh viện, không chỉ là cấp TP mà còn là cấp quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc Hà Nội có hệ thống trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế rất tốt, đó là một lợi thế không được đánh mất. Nói là y tế Thủ đô nhưng bản chất phục vụ không chỉ cho người dân thủ đô mà phục vụ cho cả nước. Phải có nghiên cứu khoa học, triển khai những kỹ thuật rất hiện đại để TP trở thành trung tâm y khoa nổi tiếng của thế giới...
Giải bài toán khó về giao thông
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông tại Thủ đô. Và theo Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội có 20 đô thị các loại. Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.
Để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần hơn 888.623 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, 4 tuyến đã có cam kết về thu xếp vốn, còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và chưa có kế hoạch về nguồn vốn. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 là khoảng 321.484 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia nhận định Thủ đô cần nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). TOD thực chất là phát triển đô thị dựa trên cơ sở của hệ thống giao thông dẫn dắt, tức là phát triển giao thông sẽ dẫn dắt đến điều kiện để tạo ra phát triển đô thị. Như vậy, rõ ràng mô hình này sẽ tạo ra hiệu quả rất cao cho đầu tư hạ tầng, sử dụng đất đai và đặc biệt là tạo ra không gian phát triển cũng như môi trường sống cho người dân ở vùng đó.
Một vấn đề cần được giải quyết đó là TP phải quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại