Thứ hai 25/11/2024 17:37

Đề nghị quy định cụ thể việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với khách hàng cá nhân là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; hạn mức trả tiền hoặc chuyển tiền tối đa đối với khách hàng cá nhân là 50 triệu đồng/khách hàng/ngày…

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì soạn thảo.

Dự thảo quy định “cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán” sẽ bị xem là hành vi bị cấm. Theo VCCI, quy định này là chưa hợp lý, bởi vì việc tự nguyện cho thuê, cho mượn và thuê, mượn tài khoản để nhờ chuyển tiền, rút tiền, trả nợ, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ … là các hoạt động đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế, phù hợp với các nguyên tắc của giao dịch dân sự, không mâu thuẫn với các yêu cầu an toàn tài chính cơ bản.

de nghi quy dinh cu the viec xu ly so du khi dong tai khoan thanh toan

Ngân hàng nhà nước đề nghị nhiều quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: nguồn internet

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, các hoạt động này diễn ra bình thường, không có phản ánh nào về tác động bất lợi đáng kể tới lợi ích công cộng đến mức buộc phải cấm hoạt động này.

Bên cạnh đó, Dự thảo có quy định “chủ tài khoản thanh toán có thể ủy quyền có thời hạn bằng văn bản cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định pháp luật”. Điều này được hiểu là một hình thức sử dụng tài khoản của người khác. Như vậy, hai quy định này đang mâu thuẫn nhau. Để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cấm “cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán” nêu trên.

Dự thảo quy định việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán, trong đó có nêu “xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản thanh toán đã được thông báo mà không đến nhận”.

“Quy định này không rõ cách thức xử lý số dư và cũng không rõ văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể cách thức xử lý số dư hoặc dẫn chiếu văn bản cụ thể quy định”, VCCI đề nghị.

Theo quy định của Dự thảo thì DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ và chi hộ. Đây là đối tượng mới được cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng. Căn cứ để bổ sung đối tượng này vào các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản là Luật Bưu chính, Quyết định 41/2011/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, theo VCCI, giải trình này dường như chưa thật hợp lý để giải thích tại sao DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được xem là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng còn các DN cung cấp dịch vụ bưu chính khác lại không được, trong khi tất cả các DN cung ứng dịch vụ bưu chính đều phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như nhau?

Mặt khác, trên thực tế thì một số DN cung ứng dịch vụ bưu chính (không phải công ích) cũng đang có hoạt động thu hộ, chi hộ không thông qua tài khoản của khách hàng. Và thông lệ này không gây ra tác động bất lợi đáng kể nào cho lợi ích công cộng, hơn nữa còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Vì vậy, VCCI đề nghị hoặc là cho phép tất cả các DN bưu chính thực hiện hoạt động này. Nếu không, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ về lý do tại sao chỉ giới hạn quyền này ở DN bưu chính công ích để đảm bảo tính minh bạch về chính sách và công bằng cho các DN.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định trường hợp bên đại lý không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên giao đại lý có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch. Hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với khách hàng cá nhân là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; hạn mức trả tiền hoặc chuyển tiền tối đa đối với khách hàng cá nhân là 50 triệu đồng/khách hàng/ngày. Bên giao đại lý căn cứ vào cơ sở vật chất, hạ tầng của bên đại lý để xác định hạn mức hoặc số dư trên một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân mở tại bên giao đại lý.

Theo VCCI, Dự thảo quy định hạn mức rút tiền mặt đối với khách hàng là cá nhân, như vậy với khách hàng là tổ chức có bị khống chế hạn mức không, và nếu có thì bao nhiêu, nếu không thì tại sao, cần được giải thích rõ để các DN hiểu và áp dụng thuận lợi…

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động