Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải thị trấn Thổ Tang
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình xử lý nước thải trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Phúc. |
Cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của cư dân
Trao đổi với PV Pháp luật & Xã hội, ông Lê Kim Thành - Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết: Nhà máy thu gom và xử lý nước thải thị trấn Thổ Tang được triển khai xây dựng có công suất khoảng 2.000 m3/ngày đêm, với 3km đường ống thu gom nước thải và 3 trạm bơm nước thải.
“Dự án đã khởi công vào tháng 9/2022, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để kịp hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2023, theo thời hạn Hiệp định vay vốn. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước sông Phan và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư trên địa bàn” – ông Lê Kim Thành nói.
Công trình Nhà máy thu gom và xử lý nước thải thị trấn Thổ Tang thuộc Hợp phần 2 – Quản lý môi trường nước của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Với mục tiêu cung cấp môi trường nước bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm kiểm soát lũ tại lưu vực trung tâm của tỉnh và ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt sông Phan (đoạn chảy qua địa phận Thổ Tang và huyện Vĩnh Tường).
Dự án còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Phan và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư như ở thị trấn Thổ Tang. Tăng tính lâu bền của cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ đô thị tại Thổ Tang. Giảm thiểu các bệnh dịch có nguyên nhân từ việc nước thải bị ứ đọng và không được xử lý. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư và và phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Thổ Tang nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Công trình xử lý nước thải trên địa bàn thị trấn Thổ Tang nhằm khắc phục tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường khu dân cư |
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Thổ Tang, công trình Nhà máy thu gom và xử lí nước thải xây dựng tại địa phương, được áp dụng công nghệ xử lí nước thải tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo nước xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi ra ngoài môi trường. Sau khi nhà máy xây dựng xong và đi vào vận hành, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ dân thực hiện nghiêm việc lắp đặt các thiết bị, đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào nhà máy, tránh tình trạng xả thải ra ngoài gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn
Qua tìm hiểu PV được biết, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng nguồn vốn 220 triệu USD (tương đương 4.815,8 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh (VPMO) làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng là các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1, quản lý rủi ro ngập lụt, xây dựng các công trình nhằm kiểm soát ngập lụt tại lưu vực. Hợp phần 2, quản lý môi trường nước, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn và các thôn/xóm/cụm dân cư dọc theo sông Phan trên địa bàn tỉnh. Hợp phần 3, hỗ trợ thực hiện, tăng cường thể chế và hỗ trợ kỹ thuật, gồm hỗ trợ thực hiện dự án; đề xuất biện pháp để cải thiện nguồn nước và giám sát chất lượng nước và hệ thống cảnh báo lũ sớm.
Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định số 520/QĐ-BTNMT, ngày 11/3/2016, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó yêu cầu thiết kế, xây dựng vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo nước thải sinh hoạt được xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT về nước thải sinh hoạt theo mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận.
Đây là dự án đầu tư công có diện tích đất thu hồi lớn với tổng diện tích cần thu hồi, BT- GPMB trên 527 ha, có rất nhiều công trình và hạng mục trải dài khắp địa bàn các huyện, thành phố Bình Xuyên, Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương và Vĩnh Yên.
Mục tiêu chung của Dự án là tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm soát nguy cơ lũ lụt, cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ; tăng khả năng tiêu thoát lũ, tích trữ nước và điều hoà cho sông Phan, sông Cà Lồ;
Đồng thời, cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hoà, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Kiểm soát ngập úng cho đô thị trung tâm thành phố Vĩnh Yên và các đô thị, công nghiệp vùng lân cận…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được triển khai theo Hiệp định vay số 8614-VN có hiệu lực ngày 25/9/2017 và thời hạn gia hạn đến 31/12/2023. Tính đến hết tháng 5/2022, phần lớn các hạng mục, công trình của hợp phần 1 được các nhà thầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Cảnh tượng ngập lụt, ô nhiễm môi trường tại khu vực chợ Giang thị trấn Thổ Tang năm 2020. |
Đối với Hợp phần 2 (Quản lý môi trường nước) xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các thị trấn Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc, thị trấn Hương Canh và xây dựng 14 điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan.
Đến nay, các công trình Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Thổ Tang; Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Tam Hồng; Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Yên Lạc. Các trạm này tiến độ thực hiện chưa đạt 10% giá trị gói thầu, tuy nhiên các nhà thầu đều cam kết cố gắng đưa vào khai thác vận hành giữa hoặc cuối năm 2023. Còn hệ thống thu gom nước thải thị trấn Hương Canh, khởi công 12/8/2021, đến nay đạt hơn 65,8% giá trị hợp đồng.
Đối với Hợp phần 3 (Hệ thống cảnh báo lũ sớm) triển khai thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, hoàn thành trong tháng 6/2022; tổ chức lựa chọn nhà thầu xong trong tháng 8/2022 và thực hiện hoàn thành hệ thống 31/12/2023 đồng bộ với việc hoàn thành các hạng mục thuộc hợp phần 1.
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ý thức của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển bền vững, nhiều dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đã được triển khai, tiếp tục cải thiện môi trường nâng cao chất lượng sống của cư dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại