Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư gan giai đoạn đầu và cách phòng tránh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDấu hiệu nhận biết bệnh ung thư gan giai đoạn đầu và cách phòng tránh
Bệnh ung thư gan là gì?
Ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và thứ phát, cụ thể:
- Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý xảy ra khi các tế bào của gan trở nên bất thường, ảnh hưởng đến chức năng gan, có thể lan rộng sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan. Căn bệnh ác tính này gồm có 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan, phổ biến nhất), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma).
- Ung thư gan thứ phát là bệnh lý xuất hiện khối u ở gan, nhưng khối u này do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể lây lan sang gan. Đó có thể là khối u ở dạ dày, túi mật, đại tráng, tuyến tụy, vú, phổi...
Ung thư gan khiến gan không thể thực hiện các chức năng: sản xuất mật, hấp thu và chuyển hóa bilirubin, hỗ trợ quá trình đông máu, chuyển hóa carbohydrate, chuyển hóa chất béo, hỗ trợ chuyển hóa protein, lọc máu, sản xuất albumin, lưu trữ vitamin và khoáng chất… dẫn đến các tác động có hại và nghiêm trọng đến cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư gan ở giai đoạn đầu
1. Chán ăn, mệt mỏi, sút cân liên tục
Vì gan có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình tiêu hoá nên những triệu chứng về bệnh gan thường được thể hiện thông qua sự thay đổi ở hệ thống tiêu hoá. Việc bạn cảm thấy chán ăn, bụng đầy chướng, ngán đồ dầu mỡ và hay mệt mỏi dẫn đến sụt cân liên tục là một trong những dấu hiệu cho thấy chức năng gan đang suy giảm và cũng là biểu hiện quan trọng cảnh báo bệnh ung thư gan giai đoạn đầu.
2. Vàng da, vàng mắt
Vàng da hay vàng mắt là dấu hiệu của viêm gan cấp tính – một trong số các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan. Hiện tượng này xảy ra khi chức năng gan suy yếu dẫn đến việc gan không thể xoá bỏ các bilirubin (sắc tố màu vàng hình thành từ sự phân huỷ của các tế bào máu đã chết trong gan). Khi có triệu chứng vàng da hay vàng mắt, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức bilirubin trong cơ thể cũng như sớm phát hiện khả năng phát sinh của bệnh.
3. Hay đau ở vùng thượng vị
Vùng thượng vị là khu vực nằm trên rốn và dưới mũi xương ức. Cơn đau ở vùng này có thể âm ỉ hoặc quằn quại, nhói ra phía sau lưng. Đau vùng thượng vị thường là dấu hiệu của một số bệnh thường gặp như rối loạn tiêu hoá ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, đây có khi còn là biểu hiện của ung thư gan. Sức ép của các tế bào ung thư lớn lên trong gan có khả năng trở thành tác nhân khiến người bệnh gan thường xuyên cảm thấy đau ở vùng này.
4. Táo bón hoặc tiêu chảy
Hiện tượng hệ tiêu hoá “trở chứng” bằng những đợt táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên là một tín hiệu cảnh báo bạn nên đi khám bác sĩ thay vì đinh ninh đây là một triệu chứng thông thường do ăn uống không khoa học. Đây có thể là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đang “cầu cứu” bởi một vài vấn đề khá nghiêm trọng xảy ra ở một bộ phận nào đó, trong đó gan cũng không là ngoại lệ.
5. Đau vùng vai phải
Những cơn đau buốt không rõ lí do ở vai phải cũng là một dấu hiệu của bệnh ung thư gan. Các dây thần kinh dưới cơ hoành có khả năng bị chèn ép khi tế bào ung thư gan mở rộng. Một số dây thần kinh ở khu vực này kết nối với các dây thần kinh ở vai phải nên khiến cho người bệnh có cảm giác bị đau vai.
6. Tụ dịch trong gan
Tụ dịch trong gan là triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh ung thư gan với các biểu hiện như:
– Trương tức bụng dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ;
– Bụng to lên trong một thời gian ngắn;
– Có thể sờ thấy gan.
Khi thấy xuất hiện các biểu hiện trên, bạn nên đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được phát hiện và điều trị kịp thời!
Phòng ngừa bệnh ung thư gan
Phòng bệnh ung thư gan nguyên phát bằng các phương pháp:
- Tiêm vacxin ngừa viêm gan B: Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Tiêm vacxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Ở người lớn, tất cả các đối tượng chưa bị nhiễm virus viêm gan B cần tiêm chủng càng sớm càng tốt để phòng bệnh viêm gan B.
- Kiểm soát nguy cơ viêm gan siêu vi C: Bệnh viêm gan C hiện chưa có vacxin phòng ngừa. Bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh bằng cách tránh các con đường lây truyền của bệnh, kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều rau quả và trái cây (các loại rau lá xanh, cà rốt, khoai tây và trái cây họ cam quýt), sử dụng chế phẩm từ sữa, uống trà (đặc biệt lá trà tươi), không chọn thức ăn bị mốc (đặc biệt là đậu nành, lạc, khoai lang, mía, dầu đậu phộng), nói “không” với thực phẩm chứa lượng muối cao, hạn chế đồ ăn giàu protein, hạn chế tối đa rượu, bia.
- Duy trì thói quen sống lành mạnh: Chú ý nghỉ ngơi phù hợp, vận động ngoài trời với cường độ phù hợp, biết cách kiểm soát cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại