Dấu hiệu nhận biết bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh chốc lở ngoài da là gì?
Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu trực tiếp tại vùng da lành hoặc do nhiễm trùng các vết trầy xước trên da như bị côn trùng cắn, xây xước do ngứa gãi…
Bệnh thường tiến triển vào mùa hè và rôm sảy là một nguyên nhân để khuẩn liên cầu dễ xâm nhập vào trẻ. Trẻ bị rôm sảy thường ngứa ngáy, nhưng bị chốc lở thì có dấu hiệu đau nhiều hơn. Chốc lở có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng, nhưng trẻ dưới 5 tuổi dễ bị "tấn công" nhất do hệ miễn dịch kém nên dễ nhiễm trùng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em
Chốc lở ngoài da thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái, bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc lở ngoài da hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da. Chính vì vậy, khi mắc thường có triệu chứng hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh chốc lở ngoài da xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn. Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch.
Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: Chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước.
Chốc lở ngoài da thể có bọng nước điển hình thương tổn là dát đỏ kích thước từ 0,5 - 1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Khi các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong. Vị trí thường gặp là ở mặt, vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại.
Bệnh nhân có thể ngứa - gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.
Chốc lở ngoài da thể không có bọng nước điển hình thương tổn là các mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da với một quầng đỏ nhỏ bao quanh.
Vị trí hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi. Thể chốc này thường gặp trên những trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc.
Bệnh thường khỏi sau 2 - 3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh chốc lở ngoài da
Chốc lở ngoài da ở trẻ em thông thường không nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Đối với biến chứng thường gặp là chàm hóa, chốc tái đi tái lại xuất hiện nhiều mụn nước mới, ngứa. Nhiều trường hợp trẻ em, người cao tuổi bị suy dinh dưỡng nặng hay người suy giảm miễn dịch, thương tổn ăn sâu… dễ bị chốc loét để lại sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ.
Đối với trường hợp nặng, biến chứng thường thấy ở bệnh nhân có sức đề kháng yếu, chủ yếu do tụ cầu… dễ gây nhiễm trùng huyết; Ngoài ra biến chứng có thể gặp viêm cầu thận cấp, viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại