Thứ sáu 22/11/2024 10:08
Văn hóa Thăng Long

“Đánh thức” giá trị mới của sen Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 đã gợi mở nhiều hướng phát triển về tiềm năng du lịch bền vững tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Vùng đất Tây Hồ với 71 di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, mang dấu ấn đậm nét của kinh thành Thăng Long xưa đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến Hà Nội.
“Đánh thức” giá trị mới của sen Hà Nội

Nghề ướp trà sen Tây Hồ đang được đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Ảnh: Khánh Huy

Mùa sen đến, hồ Tây là địa điểm thu hút du khách đến thưởng sen, lưu lại bức hình đong đầy kỷ niệm. Trong không gian bốn bề bát ngát màu xanh ngọc bích thấp thoáng những cánh sen hồng, nơi đây còn là địa chỉ ẩm thực độc đáo từ sen. Nhiều du khách “kháo” nhau rằng, thưởng thức món ăn tinh túy từ sen tại hồ Tây mang đến nét riêng khó trộn lẫn.

Ngoài dấu ấn ẩm thực, Tây Hồ hiện vẫn lưu giữ và vun trồng giống sen quý Bách Diệp có màu sắc tươi sáng, hương thơm độc đáo. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng là nguyên liệu chính, góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”. Trà sen Tây Hồ vang danh khắp sự kiện, hội thảo quốc tế, sắp tới sẽ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024.

Nhằm phát huy lợi thế từ sen, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội” thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Qua đó, khôi phục phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, định vị thương hiệu sen Tây Hồ.

Với trí tuệ và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, doanh nhân Hà Nội, hoa sen đã tạo dấu ấn trên thị trường, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng tầm du lịch Thủ đô. Đến nay, trà sen Quảng An (quận Tây Hồ) là sản phẩm OCOP chứng nhận 4 sao. Có thể kể đến các sản phẩm chứng nhận OCOP, khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao) của nghệ nhân Phan Thị Thuận làng dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khai thác giá trị mới từ sen, Hà Nội triển khai tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” với dấu ấn từ xưởng dệt lụa tơ tằm Phùng Xá của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Sắp tới, quận Tây Hồ đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng tour, tuyến mới gắn với thương hiệu sen Tây Hồ. Từ lợi thế về cảnh quan, công trình kiến trúc, không gian văn hóa sáng tạo Trịnh Công Sơn, đặc biệt là sản phẩm sen Tây Hồ hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch đặc sắc phía tây thành phố.

Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay
Công bố 2 kỷ lục trong Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024
PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động