Thứ năm 28/03/2024 18:58

"Đánh gió bằng đồng bạc sẽ nhanh âm tính với Covid-19", bác sỹ nói gì?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi nghe tin một người bạn nhiễm Covid-19, chị M, ở Hà Nội liền mách bạn xịt nano bạc và đánh gió bằng đồng bạc để... nhanh âm tính. Vậy thực hư "bài thuốc" này có công dụng như lời đồn hay không?.
"Đánh gió bằng đồng bạc sẽ nhanh âm tính với Covid-19", bác sỹ nói gì?
Ảnh minh hoạ

BS. chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga-Bộ Quốc phòng cho biết: Người nhiễm Covid-19 khi sốt nếu được xông hơi hoặc đánh gió chỉ có tác dụng làm cho đỡ khó chịu chứ không diệt được virus, không thể làm cho virus hết hoặc suy yếu để nhanh âm tính. Ngay cả với các loại thuốc kháng virus hiện nay cũng không có tác dụng tiêu diệt virus mà chỉ ngăn chặn quá trình nhân lên của virus hoặc làm thay đổi mã di truyền của virus khiến virus nhân lên bị thay đổi.

"Rất nhiều người thích xông hơi. Nếu sốt thì xông một chút có thể giúp đỡ mệt, chứ xông nhiều càng mệt. Hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy xông hơi diệt được virus. Việc đánh gió bằng đồng bạc cũng vậy, không thể giúp diệt được virus nên không có chuyện đánh gió giúp nhanh âm tính", BS. Hoàng nhấn mạnh.

Theo BS. Hoàng, hiện nay để tiêu diệt virus tại chỗ chỉ có thuốc sát trùng bề mặt là cồn hoặc betadine dùng súc họng, sát khuẩn chứ chưa có thuốc tiêu diệt virus. Còn thuốc kháng virus có tác dụng giúp ngăn không cho virus nhân lên trong cơ thể chứ cũng không diệt được virus. Dù nhiều tên gọi khác nhau nhưng chỉ có 2 loại thành phần là favipiravir và molnupiravir.

Thuốc kháng virus thường dùng trong vòng 5-7 ngày sau khi có triệu chứng và cũng chỉ cần dùng trong 5-7 ngày. Những người tải lượng virus cao, có nguy cơ lây nhiễm cho người khác hoặc bản thân người đó nguy cơ cao (chưa tiêm vaccine, hệ miễn dịch yếu...) thì nên cân nhắc dùng sớm thuốc kháng virus.

Đối với những người dễ bội nhiễm vi khuẩn (bệnh nền, đề kháng kém, hay viêm đường hô hấp do vi khuẩn...) thì phải chuẩn bị sẵn sàng kháng sinh để nếu cần thì sử dụng ngay.

Đặc biệt, F0 thường chuyển nặng trong khoảng ngày 7-10 sau khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc kháng đông dùng để phòng chống bão cytokin, có thể cân nhắc dùng sớm, dự phòng ở những người có nguy cơ dễ tạo cục máu đông và không có chống chỉ định.

Tuy vậy, BS. Hoàng lưu ý, việc sử dụng thuốc cần căn cứ vào tình trạng của từng bệnh nhân và liều dùng theo chỉ dẫn của bác sỹ.

"Đánh gió bằng đồng bạc sẽ nhanh âm tính với Covid-19", bác sỹ nói gì?
BS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, F0 cần theo dõi chặt chỉ số SpO2 để tránh tình trạng bệnh trở nặng mà không biết (ảnh: BSCC)

Điều khiến BS. Hoàng lo ngại là qua quá trình tiếp nhận thông tin hỗ trợ F0 tại nhà, người bệnh dù chuẩn bị đủ các loại thuốc nhưng không có máy đo SpO2. Thậm chí khi hỏi chỉ số SpO2 của F0 là bao nhiêu thì ú ớ không hiểu gì. Chính từ chỗ không có khái niệm về chỉ số SpO2 nên khi người bệnh dù hết triệu chứng nhưng bỗng trở nặng do SpO2 suy giảm mà người nhà không biết khiến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

"SpO2 thực chất là các máy đo nồng độ oxy trong máu ngoại vi (pulse oximeter). Đây là một trong những thông số đặc biệt quan trọng đối với quá trình điều trị và hồi sức của người bệnh. Một người khỏe mạnh sẽ có độ bão hòa oxy động mạch ngoại vi (SpO2) trong khoảng từ 95%-100%. Nếu con số này hạ xuống dưới mức 90% thì bắt đầu gây nguy hiểm", BS. Hoàng phân tích.

BS. Hoàng đã tư vấn cho một số F0 hết triệu chứng (hết sốt, người khỏe lên...) thậm chí âm tính sau 4-6 ngày nhưng đến ngày 8-10 thì đột ngột chuyển nặng, không khó thở nhưng SpO2 giảm chỉ còn 60-70% và có người đã không qua khỏi, đa số đều phải nhập viện cấp cứu. Vì thế, mỗi gia đình nên trang bị một thiết bị đo SpO2 để nắm bắt diễn biến sức khoẻ người thân và trong một số trường hợp quyết định dùng thuốc kháng viêm corticoid phải biết chính xác SpO vì chỉ số này ở mức trên 95% thì tuyệt đối không dùng, đặc biệt trong 7 ngày đầu sẽ khiến virus nhân lên nhanh hơn, làm cho bệnh nặng hơn.

"Khoảng ngày thứ 7-10 sau khi phát bệnh, một số F0 có thể trở nặng do bão cytokin. Lúc này, các triệu chứng có thể rất mờ nhạt, không có cách gì để nhận biết ngoài việc theo dõi chặt chẽ chỉ số SpO2. Gặp các trường hợp như vậy, dùng thuốc kháng đông, kháng viêm cũng không giải quyết được vấn đề, phải thở oxy để duy trì SpO2 sau đó nhập viện cấp cứu. Việc xông hơi hay đánh gió nếu làm quá nhiều thậm chí có hại, mọi người không nên hi vọng sẽ giảm được virus bằng các phương pháp này, điều cốt yếu là phải theo dõi chỉ số SpO2", BS. Hoàng cảnh báo.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động