Thứ sáu 29/03/2024 14:40

Đảng đoàn Quốc hội góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 1-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

dang doan quoc hoi gop y vao du thao van kien dai hoi lan thu xvii dang bo thanh pho ha noi
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đến nay tất cả 100% các chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội và hết tháng -/2020 sẽ có 34 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ tương đương sẽ tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 15-8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến 9-2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10-2020.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, quy trình xây dựng văn kiện rất công phu. Thành phố đã phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương triển khai đề án nghiên cứu khoa học và đến nay đã nghiệm thu để làm cơ sở dữ liệu để xây dựng văn kiện. Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua 2 lần và hôm nay là phiên bản thứ 4. Trước đó, phiên bản thứ 3 đã qua 3 vòng với việc tổ chức 7 hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; các bộ ngành T.Ư; văn nghệ sỹ trí thức, tôn giáo; đăng tải trên các cơ quan truyền thông của TP để lấy ý kiến Nhân dân để sau đó Tiểu ban văn kiện sẽ tổng hợp và có chỉnh sửa.

Ngoài ra, thời gian quan, TP đã làm việc với một một số bộ, ngành rất quan trọng và tới đây sẽ làm việc với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó để có thêm dữ liệu cập nhật, bổ sung vào văn kiện. Sau hội nghị lấy ý kiến hôm nay, TP sẽ còn cuộc lấy ý kiến với Đảng đoàn quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ. Sau các bước đó sẽ gút lại lần cuối cùng trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực và số liệu cập nhật đến 6-2020. Đến 9-2020, trước khi trình Bộ Chính trị, TP đã có số liệu quý III/2020 thì Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020…

dang doan quoc hoi gop y vao du thao van kien dai hoi lan thu xvii dang bo thanh pho ha noi
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị rất công phu cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội góp ý thẳng thắn, sâu sắc, giúp thành phố Hà Nội đưa ra được lộ trình phát triển đúng đắn, xứng tầm cho giai đoạn tới…

Đánh giá tổng thể về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, các ý kiến phát biểu đầu tiên đều cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, có nhiều hướng tiếp cận mới, đánh giá thẳng thắn những kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến từ chi tiết đến tổng thể của Dự thảo Báo cáo chính trị.

Phát biểu đóng góp ý kiến đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá, chủ đề của đại hội đã bao hàm đầy đủ thành tố, tuy nhiên mục tiêu chủ đề “Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” cần được bổ sung để cho thấy rõ các nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, dự thảo cần có thêm đề mục đánh giá về Luật Thủ đô trên cơ sở xác định rõ vai trò “Hà Nội của cả nước, cả nước vì Hà Nội” để nâng tầm nội dung này, bên cạnh việc cần làm rõ hơn, khái quát hơn đánh giá ưu điểm, kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong 5 năm qua.

Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, dự thảo cần thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; phần kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cần cô đọng hơn, trong đó làm nổi bật truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, ý chí quyết tâm chính trị của Đảng bộ.

dang doan quoc hoi gop y vao du thao van kien dai hoi lan thu xvii dang bo thanh pho ha noi
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị.

Về vấn đề cần nhấn mạnh trong Dự thảo Báo cáo chính trị, đồng chí Tòng Thị Phóng cho rằng, cần đưa thêm nội dung về kết quả nổi bật là kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ, sự chấp hành rất nghiêm túc các chỉ đạo, chỉ thị của Trung ương của thành phố. Bên cạnh đó, cần làm nổi bật điểm sáng về hoạt động của HĐND và UBND; quyết tâm cải cách hành chính; thành công trong phòng, chống dịch Covid-19; những nét khởi sắc trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quản lý đô thị thông minh, phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; xây dựng nông thôn mới; hiệu quả của các công trình phúc lợi xã hội, giữ vững an ninh, trật tự… “Báo cáo chính trị cũng nên đưa thêm nội dung đề xuất của thành phố với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách trong thời gian tới”, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thống nhất nhận định, Hà Nội có nhiều trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sinh sống và vấn đề cần quan tâm là tạo được chính sách đãi ngộ để đội ngũ này có đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của Hà Nội trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập và nhấn mạnh nội hàm xây dựng con người Thủ đô có tri thức, nhân ái, cao thượng và là biểu tượng của con người Việt Nam…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu quan điểm, Hà Nội đang “xanh” hơn rất nhiều, do đó, dự thảo nên làm rõ, nêu bật nội dung và tiếp tục kiên trì theo hướng xây dựng “thành phố trong công viên” như kết quả đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí đề nghị làm rõ thêm vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô; cơ chế tạo thị trường khoa học - công nghệ để tiếp cận chủ động, thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Cơ bản thống nhất với bố cục, chủ đề; 5 nhiệm vụ và 3 khâu đột phá, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã đóng góp thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, các ý kiến đều nhất trí cho rằng, cần tổng kết việc thực hiện Luật Thủ đô để có điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Góp ý cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Tiểu ban Văn kiện cũng như thành phố Hà Nội tính toán cùng với các cơ quan trung ương để khai thác quỹ đất hai bên bờ sông Hồng trên cơ sở bảo đảm quy hoạch thoát lũ sao cho hiệu quả hơn. “Đây là nguồn lực lớn mà thành phố chưa phát huy được”, đồng chí Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị thành phố quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị; khai thác tối đa lợi thế của một trong 29 thủ đô thế giới qua nghìn năm tuổi, gắn xây dựng mới, hiện đại với bảo tồn nét xưa. “Tôi mong Hà Nội chú trọng hơn nữa đến xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở, vì ở cấp thành phố có sáng tạo, quyết liệt đến đâu, nhưng cấp dưới làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã công phu, chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, đã tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy Đảng và đảng viên, nhân dân, ý kiến của các ngành, các cấp, bám sát thực tiễn cũng như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, những chủ trương và định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và phát triển Thủ đô vào Dự thảo Báo cáo chính trị.

Cơ bản nhất trí chủ đề của đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thành ủy Hà Nội tiếp thu ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý. Về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đề nghị thành phố nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng Hà Nội đã chủ động, nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện.

“Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, người dân cả nước đều mong rằng Đà Nẵng cũng làm mạnh như Hà Nội để sớm dập dịch thành công”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Nhìn nhận Hà Nội hôm nay mặc dù còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, nhưng về khách quan, thành phố đã đẹp, xanh, sáng, hiện đại, văn minh hơn rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo cần đánh giá sâu hơn những kết quả thực hiện, nhất là về các cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước đã dành cho Thủ đô.

Dự thảo cũng cần phân tích rõ hơn về sự chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành những cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời phân tích sâu, cụ thể hơn kết quả sự hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành... cho thành phố.

“Thành phố cũng dành nội dung trong dự thảo để bổ sung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhiệm kỳ qua”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tiểu ban Văn kiện bổ sung, đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động công vụ trong thời gian qua, chỉ rõ những lĩnh vực cần quan tâm để cải thiện trong nhiệm kỳ tới; bổ sung số liệu doanh nghiệp hiện có để thấy được bức tranh chung và sức sống của các doanh nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; làm rõ nội dung về phát triển và tham gia đóng góp các chỉ tiêu phát triển từ các thành phần kinh tế như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã… và làm rõ tỷ trọng vốn nhà nước trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội tăng hay giảm so với thời gian đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Nhấn mạnh việc Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá sâu hơn nguyên nhân của việc nhiều dự án không hoàn thành tiến độ để đề ra giải pháp. Đồng thời, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch, quy hoạch đặc thù; bổ sung đánh giá năng lực vận tải hành khách công cộng, hạ tầng xã hội; bổ sung nhận xét mối quan hệ hỗ trợ tương tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô, từ đó khai thác tối đa thuận lợi, liên kết giải quyết những vấn đề còn tồn tại; đánh giá sâu hơn công tác phòng, chống hàng lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, ùn tắc giao thông, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, môi trường..., từ đó đề ra giải pháp hạn chế, khắc phục những bất cập này.

Đánh giá công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố đã được chú trọng và chuyển biến tích cực, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực trạng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn thấp, cá biệt một số nơi còn mất vai trò lãnh đạo. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

dang doan quoc hoi gop y vao du thao van kien dai hoi lan thu xvii dang bo thanh pho ha noi
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến đóng góp hết sức chất lượng. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và với tinh thần cầu thị cao nhất để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động