Thứ sáu 29/03/2024 17:14

Đại sứ quán Pháp trao bản dịch tiếng Việt cuốn Bộ luật Dân sự Pháp cho Bộ Tư pháp Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 24/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức buổi lễ trao bản dịch tiếng Việt cuốn Bộ luật Dân sự Pháp cho Bộ Tư pháp Việt Nam.
Đại sứ quán Pháp trao bản dịch tiếng Việt cuốn Bộ luật Dân sự Pháp cho Bộ Tư pháp Việt Nam
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery phát biểu khai mạc buổi lễ

Buổi lễ có sự tham dự của các khách mời đến từ các cơ quan: Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các trường đào tạo, Liên đoàn Luật sư và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và các công ty luật.

Để tạo điều kiện và tăng cường sự trao đổi giữa các luật gia của Pháp và Việt Nam, Đại sứ quán Pháp đã thực hiện việc dịch thuật Bộ luật dân sự Pháp sang tiếng Việt và tổ chức buổi lễ bàn giao công trình này. Bản dịch này sẽ giúp phát triển hơn nữa sự trao đổi trong lĩnh vực luật dân sự, vốn có ý nghĩa quan trọng chủ chốt trong quan hệ hợp tác của hai nước trong 30 năm qua, lần đầu tiên nhân dịp ra đời Bộ luật Dân sự đầu tiên của Việt Nam vào năm 1995 và sau đó là các Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 và 2015.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, cả Pháp và Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề dùng luật để quản lý, đặc biệt hai nước đều theo truyền thống luật thành văn, vì vậy việc hợp tác từ rất sớm là điều hết sức tự nhiên.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hợp tác về mặt pháp luật một cách mạnh mẽ và lâu dài. Pháp và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác lịch sử trong lĩnh vực Luật pháp từ gần 30 năm nay. Sự hợp tác này được thể hiện qua rất nhiều thỏa thuận giữa các cơ quan tư pháp cao nhất của chúng ta và cả giữa các hiệp hội nghề nghiệp (công chứng, luật sư, thừa phát lại).

900 suất học bổng được trao cho các sinh viên Việt Nam ngành Luật xuất sắc nhất cũng như chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp pháp luật dành cho gần 200 học viên đã giúp củng cố mối quan hệ công tác thân thiện trong giới học thuật, nghiên cứu và giữa các ngành nghề luật”, ông Warnery nhấn mạnh.

Bộ luật Dân sự là một hệ thống văn bản luật rất lớn vì nó liên quan đến từng cá nhân cũng như các giai đoạn của con người trong xã hội. Và khi Bộ luật Dân sự đầu tiên được soạn thảo tại Pháp vào năm 1804, Napoleon đã lấy tên mình để đặt cho bộ luật này. Bộ luật Dân sự Pháp được ban hành từ năm 1804 đã thể hiện những tinh hoa của nền văn hóa pháp luật, đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật dân sự của Pháp cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đại diện cho cơ quan tiếp nhận là Bộ Tư pháp Việt Nam, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, tại Việt Nam, trong những năm qua, Bộ luật Dân sự Pháp đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Đại sứ quán Pháp trao bản dịch tiếng Việt cuốn Bộ luật Dân sự Pháp cho Bộ Tư pháp Việt Nam
Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi lễ

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự của Việt Nam, các cơ quan xây dựng pháp luật của Việt Nam luôn luôn coi trọng, nghiêm túc nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc các quy định của Bộ luật Dân sự Pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Sau hơn 200 năm tồn tại, Bộ luật Dân sự Pháp đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của xã hội nhưng Bộ luật Dân sự Pháp vẫn được xem là nền tảng và là nguyên mẫu của truyền thống dân luật trên khắp thế giới ngày nay. Do vậy, việc xây dựng và công bố ấn phẩm bản dịch cập nhật Bộ luật Dân sự Pháp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

“Ấn phẩm này chắc chắn sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam trong thời gian tới”, bà Nguyễn Chi Lan nhận định.

Tại buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã trao tượng trưng bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp dưới dạng một cuốn sách cho đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động