Thứ ba 19/03/2024 16:04

Đặc sắc hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với hơn 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Đặc sắc hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Khai mạc từ ngày 18-1, trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức thu hút sự tham quan của du khách.

Các khu trưng bày được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình. Đó là hình ảnh hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn với những hình hổ săn hươu và người săn hổ trang trí trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn.

Ngoài những hình hổ trang trí bằng họa tiết chìm, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng tròn như: 4 khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Cẩm Xuyên, Phú Thọ), tượng hổ kết hợp với rắn, voi trên chuôi dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An)...

Hình tượng hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc).

Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 - 18 được thể hiện với tạo hình sinh động về quy mô, cấu trúc. Nếu thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ thì khu lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa), tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.

Khác với lăng mộ thời Lê Sơ có quy mô nhỏ thì thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17-18), tượng hổ tại các lăng mộ đồ sộ cả về quy mô kiến trúc và điêu khắc. Tượng hổ tại các di tích này thường được làm với kích thước lớn, khối hình chau chuốt mang tính tả thực cao.

Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình) và lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc còn sót lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở hai bên trục thần đạo tại các lăng mộ.

Đặc sắc hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Bình Kendi trang trí hổ, chất liệu gốm hoa lam (Chu Đậu - Hải Dương), niên đại thế kỷ 15 (Sưu tập Cao Xuân Bình)

Đồng hành qua các niên đại lịch sử, hình tượng hổ còn khắc họa thông qua lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Quá trình khảo cổ học cho thấy hình tượng hổ góp mặt khá hiếm hoi trong nghệ thuật gốm. Hình ảnh hổ xuất hiện sớm trên các thạp gốm hoa hâu thời Trần, tại các tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ như bình gốm hoa lam, kendy, đĩa gốm men lam và nhiều màu, đĩa gốm hoa lam, hộp gốm hoa lam...

Tại công trình điêu khắc đình làng thế kỷ 16-18, hình tượng hổ được khắc họa gắn bó với đời sống như: Hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp)...

Trong nghệ thuật dân gian truyền thống, “Ngũ hổ” là tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đây là bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời thường được bày trong những không gian thờ phụng. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Ngoài tranh “Ngũ hổ” còn có các tranh “Độc hổ” theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.

Xuất hiện trong lĩnh vực mỹ thuật thời Nguyễn (thế kỷ 19-20), hình tượng hổ nổi tiếng với công trình Hổ quyền - đấu trường của voi và hổ được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng tại quần thể di tích Cố đô Huế.

Đặc sắc hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ tranh thêu về hình ảnh hổ, chất liệu vải, niên đại đầu thế kỷ 20

Hình tượng hổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20) được thể hiện đa sắc, đa dạng, từ cung đình cho đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ tranh thêu về hình ảnh hổ với bảng phối màu sinh động, đa dạng thể hiện rõ tính chất nghệ thuật của nghề thêu truyền thống.

Thông qua trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn giới tới công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần.

Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” khai mạc từ ngày 18-1 và kéo dài đến hết ngày 31-8-2022.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động