Thứ hai 25/11/2024 21:09

Đa dạng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, thời gian qua nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai thực hiện các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) mang lại hiệu quả, được người dân hưởng ứng nhiệt tình…
100% các ngõ xóm trên địa bàn các thôn của xã Đức Thượng đều có ít nhất 2 “Ngôi nhà của Pin”        Ảnh:T.L
100% các ngõ xóm trên địa bàn các thôn của xã Đức Thượng đều có ít nhất 2 “Ngôi nhà của Pin”. Ảnh:T.L

Điển hình như mô hình tuyên truyền PBGDPL về bảo vệ môi trường "Ngôi nhà của Pin" tại huyện Hoài Đức. Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cho biết, mô hình "Ngôi nhà của Pin" chính là việc tạo ra các điểm thu gom pin đã qua sử dụng tại các nơi công cộng. Mô hình này xuất phát từ phong trào xây dựng “Thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do UBND huyện Hoài Đức phát động, triển khai.

Theo ông Đàm Quang Bính - Trưởng thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, những điểm công cộng, đường chính trong thôn đông người qua lại được lắp đặt những hộp đựng pin đã qua sử dụng hình những ngôi nhà để người dân tiện đưa ra tập kết.

Điểm nhấn đặc biệt của mô hình chính là công cụ thu gom pin được cách tân bằng hình ảnh những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh, màu xanh lá cây, trang trí các khẩu hiệu ngắn gọn, hình ảnh bắt mắt, sinh động, dễ đọc, dễ hiểu như “Hãy cho tôi Pin”, “Thu gom Pin đúng quy định chính là bảo về môi trường sống của chúng ta”…

Nguyên liệu để làm ra các ngôi nhà pin rất đơn giản, dễ kiếm tìm, có thể làm từ các hộp gỗ, hộp nhựa đã qua sử dụng; mái nhà của pin có thể làm bằng các mảnh nhựa hoặc mảnh tôn cũ sau đó được cắt ghép và sơn lại.

Kinh phí thực hiện mô hình “Ngôi nhà của Pin” lấy từ nguồn xã hội hóa: Nhân dân tự nguyện ủng hộ bằng tiền, ngày công hoặc nguyên liệu để làm ra những “Ngôi nhà của Pin”.

Trong một thời gian nhất định, số lượng pin thải trong các “Ngôi nhà của Pin” được Chi đoàn thanh niên thôn Nhuệ thu gom và mang đến Trung tâm Khoa học công nghệ Hà Nội hoặc Nhà máy Pin Văn Điển để đổi lấy cây xanh về trồng hoặc một số hiện vật khác.

Ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, từ mô hình PBGDPL về bảo vệ môi trường “Ngôi nhà của Pin” được triển khai đã thông tin, tuyên truyền, PBGDPL, ý thức về bảo vệ môi trường đến toàn thể Nhân dân trong thôn Nhuệ, giúp cho các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến gần với người dân hơn, người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Mô hình "Ngôi nhà của Pin" đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân.

Tại xã Đức Thượng, đến nay 100% các ngõ xóm trên địa bàn các thôn đều có ít nhất 2 “Ngôi nhà của Pin”. 100% các hộ dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đều thực hiện thu gom pin đã qua sử dụng về "Ngôi nhà của Pin", không xả thải ra môi trường. Đến nay, một số xã khác trên địa bàn huyện cũng đang triển khai Mô hình “Ngôi nhà của Pin”.

Với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò và vị trí của công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, UBND huyện Quốc Oai cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình PBGDPL mang lại hiệu quả.

Các mô hình như: “Thực hiện PBGDPL thông qua sinh hoạt tổ dân phố, tổ Nhân dân”; “Huy động Trưởng thôn, khu phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia thực hiện PBGDPL”; “Tổ chức tuyên truyền pháp luật lưu động tại các điểm dân cư”; “PBGDPL thông qua các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao”;

“Mỗi cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố, tổ Nhân dân là một tuyên truyền viên pháp luật”; “Kết hợp tuyên truyền miệng với thi tìm hiểu pháp luật”; “Câu lạc bộ tư vấn pháp luật”; “Tổ pháp luật cộng đồng tại xã, thị trấn”… và các mô hình khác phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.

Về hòa giải ở cơ sở: mô hình “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu”; “Huy động luật gia, luật sư, người có kiến thức pháp luật tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”; “Mỗi cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố, tổ Nhân dân là một hòa giải viên”; “Huy động Trưởng thôn, khu phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hoạt động hòa giải”… và các mô hình khác phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.

Lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cho hay, UBND các xã, thị trấn sau khi lựa chọn được mô hình hoạt động hiệu quả phù hợp thì ban hành văn bản triển khai thực hiện thí điểm trong thời gian nhất định và tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp tục ban hành văn bản triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn cấp xã.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật
Tuyên truyền pháp luật, tạo sân chơi phù hợp với tuổi học sinh
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động