Cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ giáo viên có sai phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về tiêu cực thi cử
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong chín nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”. Khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề: thi Tốt nghiệp, ĐH, CD gây tốn kém nặng nề cho xã hội, Bộ GDĐT đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đổi mới công tác thi, tuyển sinh.
Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm triển khai, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đáp ứng về cơ bản mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, kỳ thi 2018 đã để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận.
“Sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình, nguyên nhân, về phía Bộ GD-ĐT, cá nhân tôi với trách nhiệm của người đứng đầu xin nhận trách nhiệm vì những thiếu sót như sau: Tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Có những đổi mới chưa thể có thể kết quả ngay được, sự lúng túng, thiếu sót là không tranh khỏi. Chúng tôi sẽ cương quyết khắc phục để làm tốt hơn" |
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm. Trong đó, công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực. Thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, Bộ GD-ĐT phối hợp điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang. “Tuy nhiên do tính chất phức tạp của vụ việc nên mặc dù Bộ Công an đã rất cố gắng và khẩn trương, đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao, huy động phương tiện kỹ thuật tiên tiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhưng công tác điều tra, xác minh vẫn chưa thể kết thúc sớm được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Đồng thời khẳng định, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm minh. Hiện Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình cần cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm.
Đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ
Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi… và CA các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) sẽ do sở GD-ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành Giáo dục tổ chức Kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội. "Những vấn đề được nêu ra thì chúng tôi nhận thức được và đang thực hiện cương quyết. Có những đổi mới chưa thể có thể kết quả ngay được, sự lúng túng, thiếu sót là không tranh khỏi. Chúng tôi sẽ cương quyết khắc phục để làm tốt hơn" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại