Cốt yếu vẫn nằm ở ý thức phòng chống hỏa hoạn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và diễn tập, kiên trì thực hiện mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy. (Ảnh: Khánh Huy) |
Làm gì để hạn chế các vụ cháy thương tâm?
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy lớn, cụ thể ngày 3/1/2022, xảy ra vụ cháy tại số 79A, phường Định Công, quận Hoàng Mai khiến 3 người thiệt mạng.
Đến 14h47 ngày 22/2/2022, CA TP Hà Nội nhận được tin báo cháy xảy ra tại số 7, ngách 197/37 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Mấy ngày sau, ngày 26/2/2022, cũng tại quận Hoàng Mai xảy ra vụ cháy ở căn hộ tầng 17, tòa R1, chung cư Gamuda The One Residence. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ CA quận Hoàng Mai đã kịp thời tiếp cận đám cháy để dập lửa, cứu 3 người thoát nạn.
Tại khu vực ngoại thành, "bà hỏa" cũng thường xuất hiện ở khu dân cư đông đúc. Khoảng 22h45 ngày 28/2/2022, một vụ cháy xảy ra tại tầng 22 chung cư Gemek 2 huyện Hoài Đức. Vụ cháy được xác định nguyên nhân là do người hút thuốc lá bất cẩn để rơi tàn thuốc vào vật liệu dễ cháy. Trước đó, tại ngõ 281 đường Nguyễn Xiển huyện Thanh Trì, cũng xảy ra vụ cháy thiêu rụi dãy nhà tạm được quây tôn làm các ki ốt sửa chữa xe ô tô và bán hàng ăn uống.
Chỉ trong hai ngày 1 và 2/5, trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra hai vụ cháy kho, xưởng gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo đó, khoảng 4h13 ngày 1/5, xảy ra vụ cháy khoảng 1.000m2 nhà xưởng sản xuất gỗ dán của Cty TNHH Hải Nam (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm). Tiếp đó, vào 8h30 ngày 2/5, xảy ra cháy trong khu vực 300m2 là nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất chăn, ga, gối, đệm của 4 hộ liền kề tại Đội 7, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín.
Đầu tháng 3/2022, tại quận Hoàng Mai đã xảy ra 2 vụ cháy tại ngách 88/1/1 phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt và ngày 3/1 xảy ra hỏa hoạn tại ngõ 18 Định Công Thượng, phường Định Công, khiến 6 người trong 2 gia đình thiệt mạng. Mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, khiến dư luận xót thương.
Để hạn chế hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ của CA TP Hà Nội thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và diễn tập, kiên trì thực hiện mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy.
Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đổi mới, sáng tạo hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn. (Ảnh: Khánh Huy) |
Đổi mới trong tuyên truyền để tác động sâu sắc
Những năm qua, TP Hà Nội luôn nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Công an, ban hành nhiều văn bản có tính chiến lược, căn cơ, định hướng lâu dài chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Không chỉ kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm mà thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng liên tiếp đổi mới, sáng tạo hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn. Đây là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực gắn liền với an toàn PCCC trong cuộc sống hàng ngày, góp phần giúp cho cán bộ, người dân, DN hiểu rõ và thực hiện tốt công tác PCCC tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về PCCC&CNCH bằng tình huống thực tế để tác động sâu sắc, hiệu quả đến các cơ sở, khu dân cư đóng trên địa bàn cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.
Để tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ mùa nắng nóng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1518/UBND-NC về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ mùa nắng nóng năm 2022. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các công trình vi phạm quy định về PCCC đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, để trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC cho học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Để bảo đảm an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, CA TP Hà Nội khuyến cáo, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng của thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Người dân không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện; tránh luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, tuyệt đối không dự trữ xăng dầu, khí đốt, các chất lỏng dễ cháy trong nhà...
CA TP Hà Nội cũng khuyến cáo, nếu không may xảy ra cháy, người dân hãy bình tĩnh suy xét và báo động để mọi người nhanh chóng di chuyển ra ngoài, tuyệt đối không ẩn nấp trong phòng, nhà vệ sinh. Người dân có thể phối hợp tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114, thông tin trên ứng dụng BAOCHAY114 hoặc CA nơi gần nhất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại