Thứ sáu 22/11/2024 08:42

Vụ cháy ở Quan Hoa-Cầu Giấy: Cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ cháy ở số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội xảy ra gây thiệt hại lớn về tài sản và khiến 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hi sinh. Do đó được nhận định là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan trước pháp luật.
Vụ cháy ở Quan Hoa-Cầu Giấy: Cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Luật sư Nguyễn Hà Phương, Công ty Luật TNHH DNP, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Đây là ý kiến của Luật sư Nguyễn Hà Phương, Công ty Luật TNHH DNP, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo đó, Luật sư Hà Phương nêu: Các cá nhân liên quan trước pháp luật bao gồm những thợ hàn trực tiếp; chủ cơ sở kinh doanh; kỹ sư tư vấn giám sát hoặc kỹ sư xây dựng; chỉ huy trưởng công trường…

Hiện nguyên nhân dẫn đến vụ hoả hoạn chưa được xác định rõ, nhưng ban đầu xác định nghi vấn do hoạt động cải tạo sửa chữa (hàn -xì) nên gần với 2 tội danh: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (điều 313) hoặc Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người ( điều 295).

"Cả hai tội danh này hình phạt cao nhất đều là 12 năm tù kèm theo hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm", Luật sư Hà Phương phân tích.

Bên cạnh đó, Luật sư Hà Phương cho biết: Căn cứ vào sự kiện chính là vụ cháy thì ý kiến của tôi nghiêng về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (khoản 3, điều 313). Hình phạt được cá thể hóa và cao thấp khác nhau tùy mức độ phạm tội của từng cá nhân.

Cụ thể, tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (điều 313), Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Vụ cháy ở Quan Hoa-Cầu Giấy: Cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Hiện trường vụ hoả hoạn ở phố Quan Hoa khiến 3 chiến sỹ cảnh sát PCCC hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ (ảnh TL)

Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở nơi đông người theo điều 295, Bộ luật hình sự 2017quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài trách nhiệm hình sự, nếu có sai phạm, người gây ra hỏa hoạn còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ nhà hoặc/và nhà hàng xóm/chủ tài sản khác bị thiệt hại trực tiếp hoặc những người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Trường hợp có đơn vị đứng ra nhận thầu và thuê lại những thợ hàn này thì bên nhận thầu cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp chủ cơ sở, chủ tài sản cũng có 1 phần lỗi thì không được bồi thường phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình.

Trường hợp sau khi điều tra, thấy rằng không có sự vi phạm về an toàn lao động, về phòng cháy chữa cháy cũng như các điều kiện pháp lý xây dựng; khi xảy ra cháy mọi người đã làm mọi cách có thể trong điều kiện tối đa thì có thể không xử lý trách nhiệm hình sự và có thể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có thể áp dụng vụ cháy như một bất khả kháng.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân với việc hoán cải nhà ở thành cơ sở kinh doanh và với thói quen thuê lao động phổ thông giá thấp như hiện nay thì rất khó đảm bảo được đủ toàn bộ điều kiện an toàn, phòng cháy chữa cháy. Nên trường hợp này là mong muốn nhưng hi vọng thấp.

Hà Nội truy tặng Bằng khen thành tích đột xuất cho 3 chiến sỹ hy sinh khi chữa cháy
Hà Nội: Giải cứu 4 người bị mắc kẹt trong đám cháy lúc rạng sáng
Kéo gần 2km đường ống dập đám cháy tại ngôi nhà vắng chủ ở Khâm Thiên
Kịp thời dập tắt đám cháy tại ngôi nhà 3 tầng ở Gia Lâm
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động