Thứ sáu 26/04/2024 10:37
Từ các vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke:

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự hi sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC ngày 1/8 tại vụ hỏa hoạn quán karaoke ISIS tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy gợi lại những ám ảnh đau thương từ những vụ tương tự trước đó. Tự bao giờ, những quán karaoke đã dễ cháy nổ, thiếu hẳn đi những đảm bảo an toàn lại được đi vào hoạt động…
Hình ảnh vụ cháy quán karaoke trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Hình ảnh vụ cháy quán karaoke trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Cháy quán karaoke, người chết – chủ quán ra tòa

Chiều ngày 1/8, nhận được tin báo cháy tại địa chỉ số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Trung tâm chỉ huy CA TP đã điều động Đội cảnh sát PCCC&CNCH CA quận Cầu Giấy, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CA quận Đống Đa ngay lập tức đến hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy. Quá trình chữa cháy, 3 đồng chí cán bộ Đội PCCC đã hy sinh, do vào hiện trường (tầng 3) bị sập cầu thang, bịt lối thoát dẫn đến thiếu dưỡng khí.

Danh tính 3 chiến sĩ hy sinh gồm: Đặng Anh Quân - Đội trưởng đội PCCC; Đỗ Đức Việt, cán bộ PCCC và Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ. Sự hi sinh của 3 chiến sĩ khiến không ít người xót xa. Bởi lẽ sự ra đi của họ không chỉ là mất mát, tổn thất cho gia đình, người thân và đồng đội, nó còn là sự nuối tiếc bởi 2 trong 3 chiến sĩ đó tuổi đời còn quá trẻ. Và cũng từ vụ hỏa hoạn này, người ta mới nhớ rằng những ám ảnh thương tâm từ đám cháy từ các quán karaoke không hề ít.

Năm 2016, từng có một vụ cháy tại quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng. Theo đó, 13h30 ngày 1/11/2016, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực số nhà 39 - 45 đường Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Ngọn lửa bắt nguồn từ việc quán karaoke 68 đang tiến hành sửa chữa. Khi nhận được tin báo, cảnh sát PCCC đến và khẩn trương cứu hỏa. Sau nhiều giờ ứng cứu, cơ bản đám cháy đã được dập tắt. Phía bên ngoài, 4 căn nhà liền kề bị cháy rụi toàn bộ, chỉ còn trơ lại khung sắt, hàng loạt xe máy dựng trước cửa các căn nhà bị hỏa hoạn cũng bị thiêu rụi. Cách hiện trường khoảng 200m một chiếc ôtô 5 chỗ cũng bị cháy. Và đám cháy đã khiến 13 nạn nhân tử vong.

Liên quan đến vụ việc cháy quán karaoke khiến 13 nạn nhân tử vong năm 2016, tại phiên tòa ngày 27/3/2018, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke 68) 9 năm tù, các đối tượng liên đới nhận 7 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về PCCC". Ngày 12/9/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông và các bị cáo còn lại. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên các quyết định bản án sơ thẩm đối với các bị cáo trên.

Cần phòng, tránh tai nạn từ trước

Quay trở lại vụ hỏa hoạn tại quán karaoke ISIS tại Quan Hoa khiến 3 chiến sĩ hi sinh, việc cảnh báo an toàn cháy nổ tại các quán karaoke là chuyện không mới. Bởi lẽ, các quán kinh doanh karaoke đều là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy.

Hơn nữa, nhằm tận dụng tối đa diện tích sàn cho kinh doanh nên các cầu thang bộ, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy nhiều cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn. Bên cạnh đó, ngoài hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh không được đấu nối chắc chắn, gọn gàng, không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện, nên nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện của các cơ sở này là rất cao.

Ngoài ra cũng không thể không kể đến sự tắc trách của các cơ quan hữu quan trong việc quản lý phòng chống cháy nổ cho các hộ kinh doanh dạng này. Không hiếm quán sau khi xảy ra cháy nổ người ta mới cuống cuồng tra xét, và hầu như các quán đã và đang hoạt động hoặc… “chưa” hoạt động đều có vấn đề về giấy phép an toàn PCCC. Không thể chỉ đổ lỗi cho “vận hạn” hay “đen đủi”, mà hoàn toàn những tai nạn này đều có thể phòng, tránh từ trước chứ không đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Vụ cháy xảy ra vào chiều 1/8, tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ là một vụ tương tự như thế.

Nhìn ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo ông Thu, pháp luật quy định các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về PCCC, an ninh trật tự. Kể cả trong quá trình sửa chữa thì các cơ sở cũng phải đảm bảo ATLĐ, phòng chống cháy nổ.

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, cơ sở kinh doanh, chủ đầu tư, người quản lý đơn vị thi công hoặc các tổ chức cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định về PCCC, không đảm bảo ATLĐ dẫn đến vụ cháy xảy ra, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về PCCC” hoặc tội “Vi phạm quy định về ATLĐ”.

Căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ, Pháp lệnh ưu đãi người có công và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 3 liệt sỹ thuộc Bộ Công an đã hy sinh ngày 1/8 trong khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Kéo gần 2km đường ống dập đám cháy tại ngôi nhà vắng chủ ở Khâm Thiên
Kịp thời dập tắt đám cháy tại ngôi nhà 3 tầng ở Gia Lâm
Vụ cháy ở Quan Hoa-Cầu Giấy: Cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động