Công tác Tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó GĐ Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương trao giải cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” tập thể cấp TP cho UBND quận Hoàn Kiếm và các cá nhân. |
Kết quả công tác Tư pháp năm vừa qua đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật trong công tác PBGDPL như: đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tích cực chỉ đạo tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức. Kết quả, TP Hà Nội là đơn vị đứng thứ nhất cả nước về số lượng người tham gia dự thi với 97.203 người tham gia.
Cùng với đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP Hà Nội tăng cường tuyên truyền chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh. Hội đồng PHPBGDPL tham mưu UBND TP tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 20-6-2021 đến 01-8-2021tại địa chỉ: https://timhieuphapluatpccovid-19.hanoi.gov.vn/.
Kết thúc Cuộc thi, toàn TP đã có 1.032.665 người dự thi chính thức. Trong đó, khối Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị Thành phố là 58.136 bài dự thi; khối quận, huyện, thị xã là 975.529 bài dự thi. Đây là Cuộc thi trực tuyến TP thu hút nhiều nhất số lượng người tham gia từ trước tới nay, tạo thành phong trào sôi nổi tìm hiểu và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP. Cùng với đó là các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật bằng nhiều hình thức thiết thực.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, các quận, huyện trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh.
Đồng thời, thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, kết quả đã giải quyết hơn 35.000 trường hợp.
Để tăng cường công tác giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới, Sở Tư pháp Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn TP đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Tính đến nay, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đã đăng ký hơn 1.500 trường hợp nuôi con nuôi trong nước. Các hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn TP được giải quyết đúng quy định pháp luật.
Hà Nội hiện đã sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thủ tục về đăng ký hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi trên Hệ thống Một cửa điện tử, Dịch vụ công trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký nuôi con nuôi tạo thuận lợi cho công chức tư pháp theo dõi, kiểm tra, thống kê số liệu nhanh, chính xác, đầy đủ thông tin, giảm thao tác, rút ngắn thời gian.
Đối với việc cấp phiếu LLTP, năm 2021, Sở Tư pháp TP đã giải quyết xong và cấp 46.726 phiếu LLTP, trong đó, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến chiếm 84%. Hiện Sở đang tham mưu cho TP nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc thực hiện thí điểm cơ chế “Giao DN bưu chính công ích thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, số hóa, trả kết quả giải quyết hồ sơ LLTP”.
Ngoài ra, TP đang xây dựng, triển khai các đề án: Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký nuôi con nuôi trong nước – cấp phiếu lý lịch tư pháp và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa.
Năm 2022, Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy, triển khai nhiệm vụ công tác theo phương châm “5 rõ” và hướng mạnh về cơ sở.
Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước.
Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xây dựng CSDL trong các lĩnh vực công tác của ngành.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại