Hà Nội rà soát, đồng bộ, thống nhất văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Thủ đô phải được thực hiện đảm bảo về nội dung, trình tự rà soát và xử lý kết quả rà soát theo quy định. Kết quả rà soát văn bản được lập thành danh mục, gồm: Danh mục văn bản còn hiệu lực pháp luật, danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ, danh mục văn bản hết hiệu lực một phần, danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế… Thời gian thực hiện trong tháng 8 và tháng 9/2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm, triển khai Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND TP Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Ảnh: Hồng Thái |
UBND TP giao Sở Tư pháp chủ trì, hướng dẫn các sở, ban, ngành thành phố thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn về UBND TP.
Các sở, ban, ngành TP căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.
HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô.
Thông qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật Thủ đô để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
TP cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; các cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện, phối hợp thực hiện trong quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Tư pháp, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của TP. Kết quả nổi bật cụ thể như sau: công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời; các ý kiến tham gia của ngành Tư pháp được đánh giá cao. 100% VBQPPL của TP đều được thẩm định và ban hành đúng quy trình và thẩm quyền. Kết quả kiểm tra, rà soát văn bản được thực hiện thường xuyên góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của TP.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; tăng cường triển khai hoàn thiện số hóa hộ tịch đảm bảo tích hợp vào cơ sở dữ liệu Quốc gia; thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn TP Hà Nội.
Công tác trợ giúp pháp lý được tăng cường, đảm bảo 100% những người thuộc diện trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu; công tác đào tạo bồi dưỡng được quan tâm, chú trọng. Kết quả cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính ngành Tư pháp tiếp tục được quan tâm theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân.
6 tháng cuối năm, Sở Tư pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy, trong đó chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của TP.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại