Thứ ba 19/03/2024 10:28

Cổ phiếu ngành bảo hiểm còn hấp dẫn những tháng cuối năm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thu nhập người dân giảm sút do tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính toàn thị trường đạt 102.614 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Không ít thách thức

Báo cáo cập nhật ngành bảo hiểm Quí III/2021 của Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy: Thu nhập người dân giảm sút là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong Quí I/2021, số người bị giảm thu nhập lên tới 6,5 triệu người. Thống kê này đã cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước, dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân tạm thời giảm sút trong giai đoạn này, nhất là khi các biện pháp giãn cách sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng.

Đặc biệt, lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm. Hiện tại hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các DN bảo hiểm đến từ lợi nhuận tài chính. Trong điều kiện lãi suất đang duy trì ở mức thấp để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch.

Cổ phiếu ngành bảo hiểm còn hấp dẫn những tháng cuối năm?
Thu nhập người dân giảm sút là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Ảnh minh họa

Hơn nữa, cạnh tranh trong ngành ngày căng gia tăng. Trong những năm trở lại đây, do sự cạnh tranh gay gắt trong ngành, các DN trong top đầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại để tập trung nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh, khiến thị phần liên tục bị chia sẻ cho các DN nhỏ hơn trong ngành.

Trong khi đó, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, đồng thời hoạt động khai thác của các đại lý cũng bị hạn chế, tạm thời làm giảm nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân.

Có nhiều triển vọng

Đánh giá 6 tháng cuối năm 2021, BVSC cho rằng, vẫn sẽ có nhiều triển vọng đối với nhóm này.

Trong khi sản phẩm cá nhân tăng trưởng chậm lại, các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho DN; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung cả năm 2021, tổng doanh thu phí Bảo hiểm Phi nhân thọ đạt 58.798 tỷ VNĐ tăng 5,4% so với năm trước.

Trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ bồi thường toàn ngành chỉ là 32,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (33,5%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. BVSC cho rằng việc giãn cách xã hội trong Qúi III ở một số tỉnh thành khiến tỉ lệ bồi thường có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm. Ước tính tỉ lệ bồi thường cả năm 2021 có thể giảm xuống 32%, tác động tích cực đến những DN có tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.

Cổ phiếu ngành bảo hiểm còn hấp dẫn những tháng cuối năm?

Nghiệp vụ bán buôn dẫn dắt tăng trưởng doanh thu phí phi nhân thọ 6 tháng cuối năm

Hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tổng tỉ trọng doanh thu là 57,9%) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm, lần lượt tăng 6,2% và 1,6% so với cùng kỳ.

Ngược lại, các sản phẩm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm cháy nổ đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 17,7%/22,3%/16,44%, đều là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại.

Điều này là tương đối dễ hiểu khi chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ DN giúp phục hồi lại hoạt động kinh doanh sau đại dịch, các dự án đầu tư mới có giá trị lớn, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh… đều làm gia tăng nhu cầu cho các loại sản phẩm này.

Trái với Phi nhân thọ, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 73.022 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản phẩm liên kết đơn vị cho thấy tốc độ tăng trưởng đột biến, đạt 8.900 tỷ đồng nâng tỉ trọng trong tổng doanh thu phí từ mức 6,8% trong 1H2020 lên 12,2%. Bảo hiểm liên kết chung có mức tăng trưởng thấp hơn, nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ, đạt 40.162 tỷ đồng

Do đây là những sản phẩm vừa có tính bảo hiểm, vừa có tính đầu tư (phần phí dành cho đầu tư thường nhiều hơn), nên dễ dàng thu hút được khách hàng mới khi thị trường chứng khoán sôi động. Trong 6 tháng đầu năm BVSC cho rằng hai sản phẩm này sẽ tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của ngành trong nửa cuối năm nay.

Cuối cùng, theo BVSC, quá trình thoái vốn tại các DN có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn. Trong năm 2021, một số các DN có kế hoạch thoái một phần vốn như BMI, PTI, BVH, MIG. Đây sẽ là động lực tăng giá ngắn hạn cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức PB cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động