Có nên thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp doanh?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).
Tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: công chứng bản dịch; mô hình tổ chức của VPCC; vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp về công chứng; địa điểm công chứng;… Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mô hình tổ chức văn phòng công chứng.
Theo đó, hiện đang có hai phương án: phương án 1: đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội |
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp ủng hộ phương án 1. Đại biểu cho biết, có ý kiến lo ngại với VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, nếu công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên theo đại biểu, lo ngại trên là có cơ sở, nhưng những sự cố này sẽ ít có khả năng xảy ra và nếu so sánh với lợi ích mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công chứng hơn thì vẫn nên cho phép thành lập VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Dẫu sao "có còn hơn không" – quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hoà.
Cùng ủng hộ phương án 1, nhưng đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị việc đặt tên của VPCC do các công chứng viên (CCV) của VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thống nhất lựa chọn và Trưởng VPCC được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh: Quốc hội |
Theo đại biểu, quy định VPCC phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên đã dẫn đến những bất cập, hạn chế mà báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến ĐBQH đã phân tích. Bên cạnh đó, việc quy định tên gọi của VPCC theo quy định hiện hành phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của VPCC cũng tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này (như VPCC lấy tên của CCV, khi CCV đó không còn hành nghề tại VPCC thì VPCC phải thay đổi tên gọi, tạo nên sự xáo trộn, thiếu ổn định trong hoạt động của VPCC).
Theo đó, một số ý kiến ủng hộ mô hình VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Số khác đề nghị quy định thêm mô hình VPCC tư nhân, có thể áp dụng đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nếu giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội
Đóng góp ý kiến về giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk cho rằng, quy định này đã được đánh giá nhiều chiều, cả tiêu cực, tích cực.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk. Ảnh: Quốc hội |
Theo đại biểu, nhìn nhận thực tiễn, thực trạng, số lượng công chứng viên trên 60 tuổi ở mỗi địa phương trung bình trong cả nước rất thấp, tỉ lệ khoảng 10,4%.
Hơn nữa, qua thực tế hành nghề công chứng cho thấy, những sai sót của lực lượng này ít. Mặt khác việc hạn chế độ tuổi này không tương đồng với độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác, như luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên…
Việc quy định tuổi hành nghề của công chứng viên tối đa trong dự thảo luật được vận dụng theo Quyết định 118 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội lưu ý, công chứng là một nghề, không phải là tổ chức hội.
Do vậy, công chứng viên đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn cao, cạnh tranh gắt gao qua thi tuyển, sàng lọc qua bổ nhiệm, hành nghề chuyên trách. Vì thế, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội và hạn chế quyền tự do hành nghề của công chứng viên…
“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên nhưng giới hạn về tuổi bổ nhiệm công chứng viên lần đầu và kèm theo các điều kiện như có giấy chứng nhận sức khỏe hoặc có sự giám sát của tổ chức hành nghề công chứng” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu quan điểm.
Chỉ xem xét, cho phép thành lập văn phòng công chứng khi đã có tiêu chí | |
Hà Nội nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại