Thứ sáu 22/11/2024 15:03

Chỉ xem xét, cho phép thành lập văn phòng công chứng khi đã có tiêu chí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.

Hoạt động công chứng đã khẳng định vị trí

Mục tiêu của Nghị quyết đặt ra là bảo đảm nghề công chứng phát triển ổn định, bền vững thông qua việc xác định công chứng là dịch vụ công thiết yếu được Nhà nước bảo đảm để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, DN tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phù hợp với yêu cầu và đặc thù của hoạt động công chứng; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Bộ Tư pháp, hiện trên cả nước có 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.134 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 118 Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp do Nhà nước thành lập. Hoạt động công chứng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành nhu cầu giao dịch thường xuyên, không thể thiếu của cá nhân, tổ chức, DN, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 15-6-2018, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, theo đó bãi bỏ các quy định Quy hoạch về công chứng đã tác động đến sự phát triển của nghề công chứng. Tình trạng các Văn phòng công chứng (VPCC) thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng theo từng địa bàn cấp huyện, chuyển trụ sở VPCC từ ngoại thành vào các quận nội thành đã bắt đầu xuất hiện.

Điều này nếu không có giải pháp quản lý tổng thể sẽ dẫn đến sự phân bổ không hợp lý, làm mất cân đối, phá vỡ sự ổn định trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng. Từ đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ có cơ hội bùng phát, kéo theo hiện tượng vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Đồng thời, việc tiếp cận dịch vụ của người dân tại các vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn hơn.

Thực tiễn hoạt động công chứng cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế như:chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng. Sự bất bình đẳng về chế độ tài chính giữa Phòng công chứng với VPCC chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức, người lao động của Phòng công chứng...

Thực tế cũng cho thấy, việc quản lý hoạt động công chứng không thể dựa hoàn toàn vào cơ chế thị trường mà cần có những biện pháp nhằm bảo đảm tính chất công của hoạt động công chứng. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết đưa ra bốn định hướng lớn cho việc phát triển nghề công chứng. Cụ thể, phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng với số lượng phù hợp với nhu cầu phát triển nghề công chứng và nhu cầu xã hội, bảo đảm chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao chất lượng đào tạo nghề công chứng.

chi xem xet cho phep thanh lap van phong cong chung khi da co tieu chi
Ảnh minh họa

Giao UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ

Đồng thời, phát triển tổ chức hành nghề công chứng có định hướng, bảo đảm năng lực hoạt động; khả năng phát triển lâu dài, bền vững; tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các Phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng.

Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện quyền lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch ở địa bàn cấp huyện mà các tổ chức hành nghề công chứng đã đảm đương được để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách Nhà nước cho UBND cấp xã, cấp huyện.

Đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với nghề công chứng, bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển nghề công chứng chất lượng; gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng tại địa phương trong việc kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng; chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...

Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra một loạt các giải pháp để thực hiện, trong đó, giao UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC. Việc cho phép thành lập VPCC phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn thi hành và phù hợp với Đề án về tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương. Thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ thành lập các VPCC và chỉ xem xét, cho phép thành lập VPCC khi đã có tiêu chí.

VPCC thay đổi địa điểm trụ sở sang địa bàn cấp huyện khác hoặc ngược lại cần phù hợp nguyên tắc không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện và bảo đảm các tiêu chí như khi thành lập ban đầu. Đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà VPCC đã đảm đương được...

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động