Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đức Hùng |
Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm?
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận về nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm; Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc BK Fund, Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ những nội dung về Quỹ đầu tư mạo hiểm “bán công” cho Thủ đô. Ông Phạm Tuấn Hiệp cho rằng, cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm (sử dụng một phần ngân sách Nhà nước và huy động vốn ngoài ngân sách) ở Hà Nội và cần đảm bảo nguyên tắc: không phát sinh đầu mối hành chính, sự nghiệp; hoạt động theo quy luật của thị trường.
Diễn giả nêu, cần tích hợp chính sách; ví như tích hợp: Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư và Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Cùng bày tỏ, ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên viên pháp lý cấp cao Quỹ ThinkZone Ventures, nêu về khuyến nghị liên quan đến cách thức sử dụng vốn Nhà nước trong hỗ trợ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Ông Hiểu góp ý về chủ trương thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước, dù mới là cơ chế thử nghiệm, đã được bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô hiện tại là bước đi chung với xu thế thế giới. Tuy nhiên, các phương án để Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân cũng là một nội dung mới và cần được thảo luận.
Các Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước khi thực hiện đầu tư đối ứng theo phương thức này có thể tận dụng được vai trò chuyên môn của đối tác tư nhân như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Nhà đầu tư thiên thần trong việc thẩm định và lựa chọn công ty mục tiêu phù hợp, giảm phần lớn gánh nặng về trách nhiệm chuyên môn cũng như việc tổ chức vận hành thẩm định, lựa chọn, đầu tư và quản lý đơn vị nhận đầu tư cho quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước.
Ông Thẩm Trung Hiếu nêu, do đơn vị đối tác tư nhân thực hiện đầu tư bằng tiền của chính mình, yếu tố thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của các đối tác tư nhân này. Bởi vậy, đối tác tư nhân bắt buộc phải thực hiện thẩm định và đầu tư một cách chuẩn mực, trước tiên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Vì lẽ đó, việc quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước thực hiện đầu tư đối ứng theo đối tác tư nhân là có thể tin cậy được. Đối tác tư nhân và đơn vị nhận đầu tư, khi nhận vốn đầu tư đối ứng này, cũng nhận được nhiều lợi ích.
Tham luận về đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, ông Trần Thế Trung, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, phát biểu, công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong các trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0, có tiềm năng đem lại sự bứt phá cho hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước Việt Nam, một đòn bẩy để giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và tiến lên thành quốc gia thịnh vượng.
"Những năm gần đây chứng kiến ngày càng nhiều những đột phá trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên từ thực tiễn trong việc đưa các tiến bộ công nghệ này vào hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, nảy sinh một số điểm tắc nghẽn mà một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể khai thông'" - ông Trần Thế Trung trao đổi.
Đề xuất cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực kinh doanh mới
Trong khi đó, TS. Trần Thiên Phương, góp ý với chủ đề “Đề xuất cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực kinh doanh mới ứng dụng máy bay không người lái tại Thủ đô”. Ông Trần Thiên Phương đề xuất, thứ nhất, cần bổ sung lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) là 1 đối tượng được phép áp dụng thí điểm, thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát.
Thứ hai, mở rộng địa điểm thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ UAV không nên chỉ giới hạn tại các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo... Bởi, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ.
Có một số ứng dụng cần được ứng dụng trong không gian thực tế, có cư dân sinh sống thì mới có hiệu quả, như: chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, vận tải hành khách… Quy định cụ thể các khu vực này phải được trang bị các cơ sở hạ tầng, thiết bị cần thiết để hỗ trợ việc thử nghiệm UAV, đồng thời được giám sát chặt chẽ các rủi ro về an toàn, an ninh quốc phòng, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội.
Việc xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) cụ thể cho lĩnh vực UAV để đảm bảo khi Nhà nước cho doanh nghiệp thí điểm, các mối nguy hiểm hay rủi ro có thể được kiểm soát. Các tác hại xấu của công nghệ, sản phẩm được khoanh vùng và xảy ra chỉ trong phạm vi hẹp của "hộp" (box) và không ảnh hưởng bên ngoài. Sau thời gian thí điểm tốt có thể điều chỉnh, mở rộng mô hình công nghệ.
Thứ ba, doanh nghiệp trong nước thử nghiệm sản phẩm UAV cần được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách với điều kiện doanh nghiệp phải mô tả chi tiết kết quả đầu ra công nghệ, hiệu quả kinh tế khi cung ứng ra thị trường Hà Nội và các lợi ích lan tỏa mà xã hội nhận được từ công nghệ họ mang lại sau khi hoàn thành thử nghiệm. Doanh nghiệp cũng cần mô tả các khả năng rủi ro, xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm và cam kết không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội.
Về Quỹ đầu tư mạo hiểm, TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP. Hà Nội cần có và đề xuất cho thành lập quỹ này. Giai đoạn đầu, cần thiết có Nhà nước hỗ trợ, cần thiết làm thử, làm thử cho cả Trung ương để tổng kết, nếu thành cồn nhân rộng ra cả nước.
Bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Hùng |
Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Quỹ Vietnam Silicon Valley (VSV) góp ý, bất kể quốc gia nào phát triển công nghệ đều có quỹ đầu tư mạo hiểm. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ nước Mỹ, Hàn Quốc… để áp dụng tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, góp ý, nên thành lập Quỹ công hoặc tư và có cơ chế thoái vốn. Hà Nội nên dành quỹ đất cho trung tâm khởi nghiệp và khu công nghiệp và các tỉnh liên kết được liên kết với nhau.Ví như hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore. Hiện, vẫn nặng về kiểm soát hơn là quản lý. Cần kiểm soát nghiêm việc độc quyền công nghệ, bí mật cá nhân… nhưng cũng cần có cơ chế thông thoáng.
Đồng ý Quỹ hợp tác công tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, đề nghị Quỹ phải có vốn 100.000 tỷ đồng, vốn phải lớn. Vốn này, 30% là từ ngân sách của TP, 70% phát hành chứng chỉ quỹ và bán cho các thành phần kinh tế, trong đó có các ngân hàng, "bắt tay" cùng TP hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP cần xem lại Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (thực hiện từ năm 2018) và nên duy trì song song Quỹ đầu tư và quỹ này để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khẳng định, Hội thảo với chủ đề "Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô" là nội dung có tính đột phá trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Giải quyết xung đột giữa dự thảo Luật với Luật khác là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật. "Tôi nhất trí, ủng hộ cao với chủ đề thảo luận. Cách thức quy định vấn đề này như nào trong dự thảo Luật, đề nghị các chuyên gia góp thêm ý kiến" - bà Nguyễn Phương Thuỷ nêu.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp thu các ý kiến của các diễn giả, đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), được các đại biểu Quốc hội nhất trí cao. Quỹ đầu tư mạo hiểm nằm trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nên có thời hạn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nêu, nhiệm vụ thời gian tới của UBND TP Hà Nội rất nhiều; ngoài việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, còn các văn bản hướng dẫn... Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Luật.
Các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô | |
Cần sự thống nhất, đồng bộ về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại