Thứ hai 08/07/2024 11:58

Cơ chế DPPA: thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu như đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường…
Cơ chế DPPA: thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường
Việc xây dựng Nghị định 80 cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Mai Ngọc.

Hai hình thức mua bán điện trực tiếp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP (Nghị định 80) ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Theo đó, các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp thông qua hai phương án gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).

Với phương án mua bán điện qua đường dây riêng, bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo đúng quy định pháp luật.

Hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây kết nối riêng do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với EVN hoặc đơn vị được ủy quyền theo quy định.

Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, họ được mua bán điện với Tổng công ty điện lực hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực.

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực.

Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Cơ chế DPPA không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp (DN), đơn vị thực hiện điện mặt trời áp mái, trên thực tế, nhiều chuyên gia, DN đều bày tỏ sự hoan nghênh với Nghị định mới của Chính phủ. Bởi lẽ, với bên bán điện khi tham gia cơ chế DPPA, họ có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn, nhờ chủ động tìm khách hàng, đàm phán giá bán.

Mở rộng đối tượng tham gia

Nghị định số 80 giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu: Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; Hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Đồng thời, việc xây dựng Nghị định cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các DN có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Chuyên gia độc lập về Năng lượng tái tạo, Nguyễn Phương Maicho biết, trước đây, các dự án phát triển năng lượng, đối tượng bán thì chỉ có thể bán cho EVN. Nhưng với Nghị định này, người mua sẽ phong phú hơn, đó là những người tiêu thụ trực tiếp và có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, không chỉ là EVN.

Nhóm đối tượng thứ hai là người mua. DPPA là cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Trong các dự thảo trước, Bộ Công Thương quy định, nhóm khách hàng này phải có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là khách hàng. Nhưng, điểm mới ở đây là Nghị định đã nới lỏng yêu cầu này, xuống mức 200.000 kWh.

Khảo sát từ các Tổng công ty điện lực chi thấy, hiện nay có khoảng 3200 khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ trên 500.000 kWh/tháng. Trong khi đó, nhóm sử dụng trên 200.000 kWh lại có đến 7.700 khách hàng. Việc mở rộng thêm đối tượng được mua điện tái tạo trực tiếp được cho là sẽ giúp nhiều DN tiếp cận được nguồn điện sạch hơn. Đồng thời, cũng là cách giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Còn theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định 80 để cơ chế DPPA được triển khai nhanh chóng sẽ tạo thêm các đối tượng tham gia trong thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ có TEVN, các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN hiện nay, đưa thị trường tiến gần tới cấp độ bán buôn - bán lẻ cạnh tranh.

Mặt khác, khi tham gia vào cơ chế DPPA, các DN không chỉ hưởng được chứng nhận về xanh, thể hiện uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững; mà họ còn đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về giá cả biến động.

Đặc biệt, cả bên mua và bên bán đều có lợi khi thực hiện nghị định này. Điều này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho thị trường năng lượng tái tạo, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII.

Hà Nội: thương mại luôn giữ vai trò trụ cột
Điện thoại "cục gạch" sẽ ngừng hoạt động từ ngày 15/9 tới
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động