CIEM dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6,55% hoặc 6,95%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Đỗ. |
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi.
Xung đột địa chính trị tiếp diễn ở nhiều khu vực, trong đó có Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ. Các nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến nhằm kiềm chế lạm phát. Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn. Không ít quốc gia gia tăng các quy định về phát triển bền vững có tác động đến nhu cầu nhập khẩu, thậm chí thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ thương mại…
Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp.
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%. Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký, và vốn thực hiện. Đặc biệt, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế.
Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng. Bên cạnh 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực hiện hoặc đã hoàn tất ký kết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thúc đẩy FTA với một số đối tác mới.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nguyễn Anh Dương cho biết, tính chung cả 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước).
Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng…
Trên cơ sở phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn, Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trong những tháng cuối năm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị cải thiện chất lượng tăng trưởng; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); tăng năng suất lao động; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại