Chuyến xe cuối cùng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa (Nguồn ảnh: quocviet.net) |
Sau một ngày bận rộn với công việc, 19h Lam mới ra đến bến xe buýt để trở về quê. Đây cũng là chuyến xe cuối cùng trong ngày. Xe lăn bánh được một đoạn thì một người phụ nữ với nhiều túi đồ vội vã bước lên xe. Chị thều thào khất với phụ xe cho chị khi nào xuống sẽ trả tiền vé vì vừa bị mất ví tiền. Chị đã dặn người thân lát mang tiền ra bến. Anh phụ xe vui vẻ đồng ý, xách đồ giúp chị, còn dặn chị ngồi phía trên cho đỡ say xe.
Ngồi xuống một lát, người phụ nữ này kể chuyện một mình bắt xe lên Hà Nội khám bệnh. Bác sĩ yêu cầu chị nhập viện nhưng do đã mất khoản tiền mang theo nên chị phải trở về. Cũng may là chị đã thanh toán được các khoản khám trước đó. Xót của, chị ngồi khóc một hồi rồi mới ra về. Biết chuyện chị đi khám bệnh, bị mất tiền nên bác xe ôm cổng viện đồng ý chở chị miễn phí ra trạm xe buýt. Vừa kể, nước mặt chị vừa trào ra.
Nghe câu chuyện của người phụ nữ, lòng Lam trĩu lặng. Lam ra hiệu cho anh lái xe rằng, mình sẽ trả tiền vé cho người phụ nữ kia. Một lúc sau, người phụ nữ nhận được cuộc điện thoại lạ của một người đàn ông, thông báo đã nhặt được ví tiền của chị và hẹn chị ngày mai đến nhận lại. Chị vui sướng, rối rít cảm ơn người ở đầu dây bên kia rồi gọi cho con gái báo tin mừng.
Lam vui vẻ trở lại vì cuối cùng, điều may mắn cũng đến với người phụ nữ. Cô thầm cảm ơn người nhặt được ví tiền của chị, vì hành động trả lại tiền của anh đã cứu chị khỏi những dằn vặt, buồn phiền và chị cũng đã tìm được lại khoản tiền chữa bệnh.
Một câu chuyện khác trên chuyến xe mà Lam cũng rất ấn tượng. Một người đàn ông trạc 40 tuổi nhưng mái tóc gần như bạc trắng, ánh mắt hõm sâu vì nhiều ngày chăm con ở bệnh viện. Trên xe, anh gọi điện về cho mẹ bảo bà cứ yên tâm, sức khỏe con trai anh đã ổn, còn dặn bà cứ ăn uống rồi đi nghỉ sớm, anh về muộn sẽ ăn sau.
Một cô ngồi cạnh anh là người cùng quê thấy vậy liền hỏi thăm sức khỏe cháu bé, anh bảo cháu bị bại não nên đi viện suốt. Bao tiền của kiếm được vợ chồng anh đều dồn vào chữa bệnh cho con. Lần này, dự kiến ở viện lâu nên anh phải về lo tiền. Dù hoàn cảnh trớ trêu nhưng anh vẫn lạc quan. “Số cháu nó thế rồi cô ạ.
Mãi mới sinh được đứa con thì cháu nó lại bị thế. Nhưng cứ nghĩ đến con bệnh tật là vợ chồng cháu lại động viên nhau cố gắng để lo cho con. Chúng cháu không bao giờ để con phải đơn độc chiến đấu với bệnh tật. Cháu còn phải cố gắng làm ăn để xây nhà cho mẹ cháu nữa. Mẹ cháu già rồi, cũng phải để cho mẹ cháu được an nhàn một chút cô ạ”, người đàn ông nói.
Không biết từ khi nào, nước mắt Lam trào ra vì thương cảm cho người đàn ông. “Đúng là có những thứ trong cuộc đời, chúng ta không thể quyết định được nhưng có nhiều người vẫn lạc quan, mạnh mẽ đối diện với sóng gió đến với mình. Vậy thì tại sao khi chúng ta có điều kiện tốt hơn lại không thể nỗ lực vượt qua khó khăn cơ chứ?”, Lam nghĩ.
Ngày hôm nay, Lam cũng đã có những lúc nản lòng vì công việc không được như mong muốn. Lam trách tại sao điều đó lại đến với mình, nhưng giờ đây, mọi phiền muộn trong cô dường như tan biến. Chuyến xe cuối cùng giúp Lam nhận ra nhiều điều. Đó là lòng tốt, nghị lực vượt qua khó khăn có ở bất cứ đâu và dù có chuyện gì, chúng ta hãy can đảm đối diện như một cách để trưởng thành.
Trên những chuyến xe hồi hương… | |
Ấm lòng những chuyến xe chở bệnh nhân nghèo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại