Thứ sáu 08/11/2024 05:31
Để những người phụ nữ thoát khỏi "bóng ma" bạo lực gia đình:

Kỳ 3: Chuyện những người phụ nữ vượt lên mặc cảm, đòn roi để tìm lối thoát khỏi địa ngục hôn nhân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luôn hết lòng vun vén cho tổ ấm gia đình nhưng với nhiều người phụ nữ, nơi đó lại không khác gì “địa ngục trần gian”, vì bị chồng đày đọa từ tinh thần đến thể xác, thậm chí khiến nhiều người quẫn trí, tuyệt vọng, tìm đến cái chết.
Với nhiều phụ nữ, nhà không khác gì “địa ngục trần gian” vì bị chồng bạo hành.
Với nhiều phụ nữ, nhà không khác gì “địa ngục trần gian” vì bị chồng bạo hành.

Ly hôn để bước sang trang mới

Mọi người trong làng nơi chị N.T.H (Hưng Yên) sống đều cảm thấy vui lây cho chị bởi giờ đây, chị đã có kinh tế vững chắc, các con khôn lớn, không còn phải chịu những trận đòn roi khốc liệt từ chồng cũ. Trước đây, nhìn cảnh chị H bị chồng đánh đập không thương tiếc, ai cũng cảm thấy xót xa, thương cảm. Chị H và chồng đến với nhau qua sự giới thiệu của những người thân trong gia đình. 3 người con lần lượt ra đời kéo theo nhiều khó khăn nhưng chị luôn chịu thương, chịu khó làm ăn. Thế nhưng, đáp lại tấm chân tình của chị lại là những trận đòn roi vô cớ từ chồng. Chỉ cần không vừa ý chuyện gì là chồng lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Trong suốt những năm hôn nhân, không biết bao nhiêu lần chị H phải ôm con về nhà bố mẹ đẻ để lánh nạn, thậm chí nhiều lần phải đi viện bởi vết thương nguy hiểm.

Đau đớn, tủi nhục, chị H chia sẻ từng chỉ muốn chết đi để khỏi bị những trận tra tấn từ chồng. Khi ấy, chị lại nghĩ đến các con còn nhỏ dại. Nếu chị “làm liều”, các con sẽ khổ, mất mẹ còn bị mang tiếng cả đời. Mẹ chị dù rất thương con nhưng vẫn khuyên con cố gắng chịu đựng, để các con có gia đình. Hết lần này đến lần khác, bị đánh nhẹ hay nặng, chị đều cắn răng chịu đựng, coi chuyện bị chồng đánh như thói quen.

Khi chị H sinh con thứ 3 tiếp tục là con gái, chồng chị còn nghi ngờ đó không phải con mình, vu cho chị ngoại tình. Vì quá phẫn uất, chị quyết định “vùng dậy”, phản kháng trước hành vi bạo lực cả về tinh thần và thể xác của chồng. Chị quyết định ly hôn - điều mà có lẽ chưa từng ai nghĩ chị sẽ làm.

May mắn của chị H là gia đình chị cũng dần chấp nhận vì nhận ra nếu con gái tiếp tục sống với chồng thì trước sau cũng “hóa điên mà chết”. Bố mẹ cho chị một miếng đất, xây một căn nhà nhỏ cho mấy mẹ con sống. Với mong muốn các con có cuộc sống tốt hơn, chị chăm chỉ làm việc, không nề hà bất cứ công việc gì. Đến nay, sau 7 năm ly hôn, chị đã có kinh tế vững chắc, các con có điều kiện học hành tốt hơn. “Cảm giác bước ra khỏi bóng tối của cuộc hôn nhân đó thực sự nhẹ nhõm. Không còn phải nơm nớp lo sợ bị đánh đập, chửi bới, phải nhìn thái độ của chồng để sống, tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn. Tôi tự do được sống và làm những gì mình thích. Đó mới thực sự là hạnh phúc. Nếu như vẫn cố níu kéo cuộc hôn nhân không hạnh phúc, để mình bị chết chìm trong những trận đánh chửi thì có lẽ cả cuộc đời này tôi không cảm nhận được hai chữ bình yên”, chị H trải lòng.

Quyết tâm tìm lại công lý cho chính mình

Lấy chồng là một sĩ quan quân đội nhưng cuộc hôn nhân kéo dài 3 năm của nữ giảng viên đại học P.U (SN 1995) lại là chuỗi ngày đau đớn, đầy nước mắt bởi những trận đánh tàn bạo, những lần bị túm tóc đập đầu và kéo lê giữa phố.

U và chồng đến với nhau do mẹ cô tạo điều kiện, hết lòng vun vén tình cảm cho đôi bên. Năm 2018, đám cưới linh đình của hai người được tổ chức. Những tưởng hạnh phúc sẽ tràn ngập với đôi vợ chồng son nhưng không. Sau lễ cưới không lâu, chồng U hậm hực vì nhà vợ không cho vợ chồng tiền khách mừng cưới, đồng thời mỉa mai món quà cưới giản dị của bố mẹ vợ là chiếc đồng hồ cùng số tiền 10 triệu đồng để đi trăng mật. U giải thích rằng bố mẹ tặng quà như vậy để hai vợ chồng con gái luôn quý trọng thời gian bên nhau, còn tiền mừng cưới, vì bố mẹ bỏ tiền tổ chức lễ cưới nên họ giữ lại. Bố mẹ cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Nghe vậy, chồng tát mạnh vào mặt U và đấm tới tấp vào người vợ. Quá đau đớn và sốc trước hành vi của chồng nhưng U lại sợ gia đình phát hiện, bèn khóc lóc van xin chồng đừng đánh nữa. Đó chỉ là trận đánh mở màn cho chuỗi ngày bi kịch của U.

Sau trận đòn đầu tiên, chồng đã xin lỗi và tỏ ra hối hận về hành động của mình nên U nghĩ chồng đã biết lỗi, ân hận và có lẽ đây chỉ là hành động bộc phát. Tuy nhiên, sau đó, cô vẫn chịu nhiều trận đánh khác từ chồng, thậm chí bản thân còn không dám khóc vì chỉ cần khóc là sẽ bị đánh tiếp. Sau khi đánh, chồng U thường xin lỗi, tỏ sự yêu thương, còn viết cam kết với bố mẹ vợ không tái phạm, bản thân U cũng “ngại” chuyện không hay của gia đình bị bại lộ nên đều đồng ý bỏ qua. Bị chồng hành hạ dã man, hàng ngày, suy nghĩ tự tử vẫn thường trực trong đầu U. Không biết bao nhiêu lần cô đã phải đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Cho đến một ngày, sau trận đòn tả tơi của chồng, U chợt nhận ra không thể để bản thân bị người đàn ông này chà đạp. Mặc cho mẹ đẻ ngăn cản chuyện ly hôn, rồi những định kiến như tố cáo chồng là trái đạo lý, U. vẫn quyết định ly hôn. U nhận ra người phải trả giá là kẻ bạo hành, chứ không phải là một nạn nhân như cô. Động lực lớn nhất để U đi tố cáo, vì U mong muốn môi trường quân đội thiêng liêng không còn những người côn đồ như gã chồng mình. Hơn nữa, cô muốn đi đến tận cùng sự việc để không còn người phụ nữ nào chịu cảnh bạo hành giống mình. Cô quyết định đi khám để bổ sung hồ sơ bệnh án, hình ảnh tổn thương cơ thể do bị chồng bạo hành. U được BV Tâm thần TP HCM chẩn đoán bị trầm cảm mức độ nặng. Khi củng cố được hồ sơ, U gửi đơn tố cáo đến cơ quan chồng và nhiều cơ quan khác.

Khi đơn tố cáo của U được thụ lý, U đã được Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM trưng cầu giám định với kết quả: tổn thương về tâm thần 22,77%, tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 1%. Tổng tỉ lệ về tổn thương do thương tích và tâm thần của U là 23,77%. Ngày 27/4/2023, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7 đã xét xử V.V.T (SN 1992) - chồng U 10 tháng tù giam và bồi thường gần 200 triệu đồng chi phí chữa bệnh và thiệt hại thu nhập cho bị hại.

U vẫn hối hận vì bản thân đã luôn chịu đựng, cố giấu gia đình chuyện bị chồng đánh đập dẫn đến cơ sự bị bạo hành kéo dài, gây hậu quả trầm cảm nghiêm trọng. Vết thương thể xác có thể lành nhưng những tổn thương về tinh thần sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài, thậm chí là đến hết cuộc đời, nhưng U. xem như đã giải thoát bản thân khỏi địa ngục trần gian. Cô hy vọng chị em phụ nữ khi bị đánh hãy dũng cảm đứng dậy bảo vệ mình, đừng cố chịu đựng bởi điều đó chỉ khiến bản thân càng bị tổn thương hơn mà thôi.

(Còn nữa…)

Kỳ 1: Từ những vụ việc đau lòng...
Kỳ 2: Những nỗi đau bị giấu kín
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động