Chuyện ít biết về người chủ trì thiết kế cảnh quan lăng Bác Hồ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuảng trường Ba Đình thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, là một địa danh lịch sử hàng đầu của thủ đô. Chính nơi này, ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Cảnh quan xung quanh Quảng trường được thiết kế rất cẩn thận và đẹp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chủ trì thiết kế là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Xuân Thử, cựu du học sinh Cuba những năm 1960, cựu sinh viên khóa 1, ĐH Kiến Trúc Hà Nội, 1961-1966.
KTS Nguyễn Xuân Thử được vinh dự đảm nhiệm trọng trách thiết kế chính toàn bộ cảnh quan khu vực quảng trường Ba Đình và vườn hoa tiếp giáp Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc mới hơn 30 tuổi khi ông từ Cu Ba trở về.
Nhớ lại thời gian đó, KTS Nguyễn Xuân Thử tâm sự: “Lúc đó, tôi trình bày bản thiết kế tại Văn phòng Chính phủ, sau đó được biểu quyết lựa chọn với tỷ lệ 100%. Xây dựng ý tưởng thiết kế còn có KTS Thanh Vân. Tôi được sang Cuba đào tạo về lĩnh vực này, được tham gia thiết kế khách sạn La Habana”.
Công việc thiết kế và hoàn thiện trồng cây xanh khu vực quảng trường Ba Đình và vườn hoa tiếp giáp lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được các đơn vị cùng tham gia đóng góp về ý tưởng. Lúc đó, ông là người ít tuổi nhất trong đoàn nhưng được cử làm tổ trưởng biệt phái của Viện Kiến trúc gồm các kiến trúc sư, kỹ sư đầu ngành cùng các cán bộ chuyên ngành khác gồm: thổ nhưỡng, khí hậu,… để hoàn thiện đồ án kiến trúc và tiến hành thi công.
Bản thiết kế thể hiện 4 yêu cầu chính gồm: phối hợp chặt chẽ bảo đảm không gian yên tĩnh và trang nghiêm; Màu sắc giản dị, đẹp, thể hiện tinh thần dân tộc và tính nhiệt đới; Tạo không gian tô điểm cho kiến trúc nhưng không được choán kiến trúc lăng; Tạo thành một tổng thể hài hòa, gắn với cây cối vùng xung quanh.
Ông Thử đề nghị, một bộ phận cây trồng gắn chặt với công trình lăng nên việc thiết kế cây trồng phải đảm bảo tính dân tộc, hiện đại, trang nghiêm và giản dị. Các loại cây phải mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Cho nên, khu vực quảng trường Ba Đình và khu vực Lăng phải hội tụ được các loài cây của các vùng miền.
Ông Thử nhớ lại: “Khu vực mà hiện tại đang được trồng hai dãy tre là được bàn luận nhiều nhất. Chỗ đó, một số KTS, họa sĩ muốn trồng 2 cây đa hoặc hai cây đề, cũng có những người muốn trồng loài cây khác. Khi Văn phòng Lăng tổ chức cuộc tọa đàm chọn phương án trồng cây khu vực quảng trường và Lăng Bác, rất nhiều cơ quan đều có bản vẽ ý tưởng trồng cây khu vực đó, kể cả 1 số cụ KTS, họa sĩ thời Pháp cũng đến tham gia. Cuối cùng, bản thiết kế của Viện quy hoạch do ông chủ trì là phù hợp nhất”.
Ông nói thêm: “Khi lựa chọn loài cây thể hiện cho các vùng miền thì đầu tiên, tôi nghĩ đến cây tre. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc bộ đến Nam bộ, đâu đâu cũng có cây tre.
Cây tre cũng gắn bó với cuộc sống của con người Việt Nam, gắn bó với truyền thống dựng nước và giữ nước, nó cũng thể hiện cốt cách của con người Việt Nam ta. Sau khi phương án trồng cây tre được lựa chon, tôi trực tiếp đem mô hình vào báo cáo cụ Trường Chinh, cụ đồng tình ngay, cụ bảo cây tre là tượng trưng cho dân tộc ta, nên các cháu chọn tre là chính xác, nên như thế. Chỉ có điều trồng thế nào cho hợp lý, tạo thành một không gian cảnh quan cho phù hợp, hài hòa với quảng trường thôi”.
Ông kể tiếp: “Ngoài những khó khăn khi lựa chọn cây tre, còn một số loài cây khác cũng được cân nhắc kỹ như: Đường Hùng Vương là đường duyệt binh, phải trồng cây cao thân thẳng nên chọn cây chò, nó cũng thể hiện ý chí quật cường của nhân dân ta. Ngoài ra, việc đưa cây ở đất tổ Phú Thọ đem trồng trên đường Hùng Vương cũng là hợp lý. Đường bắc sơn thì chọn sao đen, cây miền nam, cây của thần đồng tổ quốc,…”.
Theo ông, khi đưa cây về, có loài cây vạn tuế thì cao thấp không đều nhau. Cụ Đỗ Mười (lúc đó ông là Bộ trưởng Xây dựng) gọi tôi ra bảo: cây thế này thì trồng thế nào? lúc đó tôi trả lời: báo cáo bác theo cháu nên chọn từng cặp một, tổng cộng có 9 cặp và ta sẽ trồng thấp dần. Cụ Đỗ Mười nghe thế duyệt ngay”.
Khi được giao nhiệm vụ, nhóm thiết kế của ông đã đi tiếp xúc thực tế, lên thăm nhà sàn của Bác, xem xét xung quanh quảng trường, nghiên cứu tổng thể khu vực Lăng. Từ đó, nhóm đã hình thành ý tưởng, trao đổi với các chuyên gia về cây trồng, về môi trường sinh thái và các loài cây,….
Chính vì thế, đồ án thiết kế do KTS Nguyễn Xuân Thử chủ trì đã cho chúng ta một cảnh quan Quảng trường Ba Đình thật đẹp và nhiều ý nghĩa, nó đã tồn tại bền vững và còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mãi sau này.
Ngày nay, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; đó cũng là nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm./.
Thu Thủy / vov.vn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại