Thứ năm 25/04/2024 14:02

Chuyên gia cảnh báo nguy hại khi giới trẻ sử dụng rượu, bia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Uống rượu bia trước 15 tuổi có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần. Ngoài ra, rượu bia còn gây nên gánh nặng bệnh tật.
Chuyên gia cảnh báo nguy hại khi giới trẻ sử dụng rượu, bia
Đối với thanh thiếu niên, rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não, làm giảm trí nhớ (ảnh minh hoạ)

Độ tuổi uống rượu, bia ngày càng trẻ hoá

Theo TS. Trần Quốc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới. Theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2021, có tới hơn 64% nam giới và 10% nữ giới trưởng thành được hỏi cho biết có uống rượu bia 30 ngày qua.

Đáng chú ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, đặc biệt là ở nam giới. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, cứ 3 nam giới lại có 1 người uống ở mức nguy hại.

Hành vi uống rượu bia đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Việc sử dụng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động-đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ tạo nên gánh nặng đối với y tế, gây tổn thất về kinh tế mà còn gia tăng các vấn đề xã hội-TS. Trần Quốc Bảo nhấn mạnh.

Những bằng chứng về tỉ lệ người trẻ sử dụng rượu bia đã được ghi nhận trong thực tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian vừa qua. Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đầu năm 2019 đã từng tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Sơn La bị hôn mê sau khi uống rượu.

Theo đó, cô gái này đi chúc tết cùng bạn bè và về nhà 1 người bạn trong nhóm ăn cơm, uống rượu. Sau bữa ăn cô say và dần rơi vào hôn mê. Sau 9 giờ đồng hồ dù được truyền nước nhưng bệnh nhân vẫn không tỉnh nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Bệnh nhân này đã được bác sỹ đặt ống thở và điều trị tích cực. Sau gần 20 giờ điều trị, bệnh nhân đã tỉnh và có thể nói chuyện được, đã qua giai đoạn nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không có cồn công nghiệp methanol nhưng có thể rơi vào nguy kịch do uống nhiều rượu.

Cũng tại Trung tâm Chống độc thời gian này đang điều trị cho nữ bệnh nhân 23 tuổi mắc bệnh lý liên quan mạch máu hiếm gặp, nhưng qua trao đổi, gia đình cho hay, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và hút thuốc lá.

Đáng lưu ý, nữ bệnh nhân này uống rượu nhiều, các loại khác nhau, với khoảng 500 - 700 ml rượu mỗi ngày. Các bác sĩ nhận định, lạm dụng rượu và sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể là tác nhân quan trọng gây nên căn bệnh mạch máu mà cô mắc phải.

Tương tự, ​bệnh nhân T. M. Đ, 28 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội cũng vào Trung tâm Chống độc trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn. Chàng trai này cho biết, mặc dù mới 28 năm tuổi đời nhưng đã có “thâm niên” 8 năm uống rượu, mỗi lần tụ tập cùng bạn bè hoặc gia đình là anh uống khoảng nửa lít rượu hoặc 10 cốc bia.

Chuyên gia cảnh báo nguy hại khi giới trẻ sử dụng rượu, bia
Một ca ngộ hôn mê sau khi uống rượu được điều trị thành công tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (ảnh T.A)

Rượu bia gây nên hơn 200 loại bệnh

ThS-BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Báo cáo thực trạng rượu bia toàn cầu của WHO cho thấy: Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương. Trong đó phải kể đến trong số đó là chứng rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, tác động đến bào thai, gây hành vi nguy cơ chấn thương...

Thống kê của WHO cũng cho biết, mỗi năm có hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác; trong đó, ước tính có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu, chiếm tỷ lệ 7,5%.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc-BV Bạch Mai chia sẻ, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.

Còn TS. Trần Quốc Bảo cảnh báo, đối với thanh thiếu niên, rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não, làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, tư duy của trẻ.

“Những nguy sức khỏe do rượu bia gây ra đối với thanh thiếu niên có thể kể đến như: ngộ độc, đột tử, tai nạn giao thông, hành vi bạo lực, phạm tội, tự tử, rối loạn tâm thần, quan hệ tình dục không an toàn, suy giảm miễn dịch, rối loạn dậy thì, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mắc bệnh mãn tính khi trưởng thành...”, TS-BS. Quốc Bảo nói.

Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Quản lý dịch vụ sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện tại Mỹ, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống.

Cụ thể, những người uống rượu bia sớm có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần, khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống cao gấp gần 5 lần so với những người uống rượu bia khi trưởng thành hơn.

"Uống rượu bia ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư. Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay là rượu mà phụ thuộc vào lượng uống (bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng) của mỗi người. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần", TS. Trần Quốc Bảo nhấn mạnh.

Thanh niên tử vong do uống rượu, bác sỹ chỉ ra dấu hiệu ngộ độc rượu
Những người ham nhậu cần đọc tin này
Những nguyên tắc phòng chống ngộ độc rượu
Một người tử vong, một người diễn biến nặng "xin về nhà" do ngộ độc rượu chứa methanol
Điều tra vụ 2 người đàn ông tử vong do ngộ độc rượu
2 người tử vong, 3 người nguy kịch sau bữa nhậu
Tổn thương não, hôn mê do uống rượu ngâm rễ cây rừng
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động