Chủ nhật 28/04/2024 14:55

Chuyển đổi số giúp xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, năng động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thành phố thông minh nhằm giúp tối ưu hóa nguồn lực, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, năng động thì chuyển đổi số giữ vai trò hết sức quan trọng.
Chuyển đổi số giúp xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, năng động
Hà Nội sẽ sớm là thành phố thông minh dưới tác động của chuyển đổi số

Một số quan điểm về xây dựng đô thị thông minh

Trong thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã, đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT-TT, các địa phương hiện nay vẫn tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết căn cơ các vấn đề của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường…

“Các địa phương, trong đó có Hà Nội khi bắt tay phát triển đô thị thông minh cần đặt trong tổng thể chuyển đổi số của địa phương. Các lợi ích của hạ tầng thông minh cần được lan tỏa đến toàn bộ cư dân của địa phương, không giới hạn trong không gian đô thị. Do vậy, đề án đô thị thông minh phải được tích hợp chặt chẽ trong chiến lược phát triển đô thị, thể hiện trong mọi chương trình quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương”, ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ nêu quan điểm.

Về giải pháp, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng: đô thị thông minh cần kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và quản lý. Các trụ cột đô thị thông minh cần được phát triển trên nền tảng xây dựng một hạ tầng thông tin thống nhất, mạnh và an toàn.

Chia sẻ về quan điểm này, Nguyễn Huy Dũng- Thứ trưởng Bộ TT-TT nêu, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Hà Nội cũng như các địa phương khác đặc biệt lưu ý, phải có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu; còn việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố thông minh

Tại hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đồng ý thông qua và giao UBND thành phố Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…

Về xây dựng đô thị thông minh, các chuyên gia cũng cho rằng, thành phố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm tới Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển đô thị thông minh đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với các đô thị, các thành phố.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết tình hình triển khai đô thị thông minh, đồng thời sẽ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương để định hướng triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số nói chung, phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong đô thị thông minh nói riêng để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả bền vững trong dài hạn.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (dự kiến ban hành năm 2024) cũng đã đưa ra nhiều nội dung cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cụ thể, điều 25 nhấn mạnh: Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt tại khoản 4 điều này cũng nêu rõ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng sẽ ban hành Quy chế quản lý, danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô; các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô….

Vì thế mới đây, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về việc chuyển đổi số , xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030.

Theo đó, kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội thủ đô.

Kế hoạch đưa ra gồm 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ, 7 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu về xã hội số với 6 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường giám sát triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về kinh tế số, đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP thành phố đạt khoảng 30%, tỷ lệ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt hơn 10%, trên 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử…

Để phát triển xã hội số, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 90% hộ gia đình được phủ mạng internet băng thông rộng cáp quang…

UBND thành phố yêu cầu tiếp tục triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu số theo quy định; không phát triển các ứng dụng nhỏ lẻ, dùng riêng của một đơn vị. Kế thừa các kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo đúng quy định của thành phố từ giai đoạn trước nhưng không đầu tư trùng lặp với các ứng dụng, dịch vụ đã được thành phố triển khai.

+

Xây dựng thành phố thông minh: mang lại tiện ích cho người dân
Hà Nội hướng đến mô hình thành phố thông minh như thế nào?
Hà Nội lựa chọn yếu tố thông minh là nguyên tắc hàng đầu trong điều chỉnh quy hoạch
Hà Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động